Giá dầu lao dốc sau báo cáo lạm phát của Mỹ

PV-Thứ tư, ngày 14/09/2022 09:17 GMT+7

Giá dầu giảm gần 1% phiên 13/9, đảo ngược đà tăng trước đó. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

VTV.vn - Giá dầu thế giới giảm gần 1% trong phiên giao dịch ngày 13/9 trong bối cảnh giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8.

Theo dữ liệu từ Oilprice, thời điểm 5h50 ngày 14/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 giao dịch ở mức 93,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 87,67 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,41%.

Trước đó, giá dầu thế giới giảm gần 1% trong phiên giao dịch ngày 13/9 do lo ngại giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8 sẽ tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện tăng mạnh lãi suất trong tuần tới.

Chốt phiên 13/9, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 11/2022 giảm 83 xu Mỹ (0,9%) xuống 93,17 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 10/2022 giảm 47 xu Mỹ (0,5%) xuống 87,31 USD/thùng.

Mức thấp nhất trong phiên của dầu thô Brent là 91,05 USD/thùng và mức cao nhất là 95,53 USD/thùng. Trong khi dầu thô WTI chạm mức thấp nhất trong phiên là 85,06 USD//thùng và cao nhất là 89,31 USD/thùng.

Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng 0,1% sau khi không đổi trong tháng 7. Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đã dự đoán mức giảm 0,1%.

Với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, cùng với mức lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các chuyên gia dự báo nhiều khả năng FED sẽ tăng lãi suất mạnh tại cuộc họp diễn ra vào 20 - 21/9.

Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao về giao dịch tại ngân hàng BOK Financial (Mỹ), cho hay FED có thể phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, điều này khiến đồng USD mạnh lên, còn giá dầu thô sụt giảm.

Dầu vốn được giao dịch bằng đồng bạc xanh, vì vậy đồng USD mạnh hơn khiến hàng hóa này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Việc Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, gia hạn các biện pháp hạn chế COVID-19, cũng ảnh hưởng đến giá dầu thô.

Dữ liệu chính thức cho thấy số lượng các chuyến đi trong kỳ nghỉ Tết Trung thu kéo dài 3 ngày của Trung Quốc đã giảm, đồng thời doanh thu du lịch cũng giảm, do các hạn chế liên quan đến COVID-19 không khuyến khích mọi người đi du lịch.

Giá 2 loại dầu chủ chốt này đã tăng hơn 1,5 USD/thùng trong phiên trước đó bởi lo ngại về việc nguồn dự trữ thắt chặt hơn.

Số liệu của chính phủ Mỹ ngày 12/9 cho thấy, lượng dầu trong Kho Dự trữ Chiến lược của Mỹ (SPR) đã giảm 8,4 triệu thùng xuống 434,1 triệu thùng trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 10/1984.

Viện Xăng Dầu Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng khoảng 6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/9. Trong khi chuyên gia phân tích của Reuters dự báo, các kho dự trữ dầu thương mại của Mỹ đã tăng 800.000 thùng trong tuần trước. Chính phủ Mỹ sẽ công bố số liệu dự trữ chính thức trong ngày 14/9.

Triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của phương Tây với Iran vẫn còn mờ mịt. Ngày 12/9, Đức bày tỏ sự tiếc nuối khi Tehran đã không phản ứng tích cực với các đề xuất của châu Âu nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết một thỏa thuận sẽ khó có thể xảy ra trong thời gian tới.

Ngày 13/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023, viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang hoạt động tốt hơn dự kiến bất chấp những khó khăn như lạm phát gia tăng.

Giá dầu thế giới giảm sâu Giá dầu thế giới giảm sâu

VTV.vn - Thứ Hai đầu tuần (12/9), giá dầu thô WTI tương lai tiếp tục xu hướng giảm. Giá dầu hiện giao dịch dưới 86 USD một thùng, sau khi kết thúc một tuần đầy biến động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước