Vì sao giá dầu đắt hơn xăng?

PV-Thứ ba, ngày 06/09/2022 16:07 GMT+7

Lần đầu tiên giá dầu diesel tăng vượt giá xăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

VTV.vn - Trong kỳ điều chỉnh ngày 5/9, lần đầu tiên giá dầu diesel tăng vượt giá xăng, do nhu cầu tiêu dùng dầu trên thế giới tăng mạnh.

Từ 15h ngày 5/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu. Giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh, trong khi giá xăng giảm.

Cụ thể, dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít; dầu hỏa tăng thêm 1.390 đồng lên 25.440 đồng/lít... Hiện giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu cao hơn giá xăng.

Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng dầu đã qua 23 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 8 lần giảm. Hiện, giá dầu diesel đã tăng gần 7.000 đồng/lít so với đầu năm, tương đương tăng 38,12%; trong khi xăng RON 95 và E5 RON 92 đã giảm về mức ngang với đầu tháng 1 năm nay.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, nguyên nhân khiến giá dầu diesel tăng là do trong 2 tuần gần đây, giá dầu diesel trên thế giới tăng mạnh trở lại với mức tăng 10 - 16% so với giá bình quân kỳ điều hành ngày 22/8.

Việc tăng giá dầu cũng bắt nguồn từ một số nguyên nhân như nhu cầu tăng cao khi các nước châu Âu chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế cho khí đốt của Nga, vốn đang rất đắt đỏ.

Bên cạnh đó, do nhu cầu trên thế giới tăng mạnh với dầu diesel, nhiều nước tích trữ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới do lo ngại thiếu hụt mặt hàng này. Một phần nguyên nhân cũng là do xuất khẩu dầu diesel từ Nga và Trung Quốc giảm mạnh; tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm trong khi mùa mưa bão tại Mỹ đang đến gần ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận chuyển dầu thô...

Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá dầu diesel, dầu hỏa trong nước có thể còn tăng cao hơn nhiều mức 1.400 đồng trong ngày hôm qua (5/9) nếu không sử dụng các công cụ bình ổn.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành, xăng tăng khoảng 2% mỗi thùng, trong khi dầu diesel, dầu hỏa tăng trên 9%, ở mức 140,78 - 143,02 USD một thùng. Với ngưỡng này, theo công thức tính giá cơ sở, mỗi lít dầu diesel tại thời điểm 5/9 cao hơn cách đó 15 ngày (22/8) là 1.729 đồng, còn dầu hỏa chênh 1.489 đồng, tức là, nếu không dùng tới Quỹ bình ổn xăng dầu, mỗi lít dầu diesel và dầu hỏa tăng tương ứng 1.729 và 1.489 đồng.

Còn giá cơ sở bán lẻ xăng tại ngày 5/9 thấp hơn 366 - 439 đồng một lít so với ngày 22/8, và được giảm tương ứng.

Giá dầu diesel, dầu hỏa tăng cao, trong khi giá cơ sở xăng, dầu mazut giảm nhẹ, nên nhà chức trách quyết định dừng trích lập Quỹ bình ổn với dầu diesel, dầu hỏa, đồng thời chi Quỹ bình ổn 100 - 300 đồng một lít với các mặt hàng này. Việc này nhằm hạn chế mức tăng cao của hai mặt hàng dầu.

Giá đang thấp, việc tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn với xăng 451 - 493 đồng một lít, theo cơ quan quản lý, nhằm tiếp tục khôi phục để quỹ này có thêm dư địa điều hành khi thị trường còn tiềm ẩn bất ổn trong thời gian tới.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Liên Bộ Công Thương - Tài chính khẳng định.

Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu trong những tháng đầu năm (khi giá xăng dầu thế giới tăng cao), Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) để bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; đồng thời sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Giá xăng giảm, dầu tăng giá mạnh Giá xăng giảm, dầu tăng giá mạnh

VTV.vn - Trong 7 kỳ điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng đã có 6 kỳ điều chỉnh giảm và 1 kỳ giữ nguyên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước