Vàng vẫn còn "sáng cửa" trong thời gian tới. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Giá vàng kỳ hạn tháng 10 tăng 12,2 USD lên mức 1.751 USD/ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.746,6 USD/ounce, tăng 9,7 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Trong phiên giao dịch 23/8, giá vàng thế giới đảo chiều đi lên giữa bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đồng loạt giảm sau dữ liệu hoạt động kinh doanh yếu kém của Mỹ.
Kết thúc phiên này, trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,7%, lên 1.761,2 USD/ounce. Giá kim loại quý này giảm liên tiếp trong 6 phiên trước đó và chạm mức 1.727,01 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 27/7, vào phiên 22/8. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,7%, lên 1.761,2 USD/ounce.
Thị trường vàng thế giới đã có được mức tăng ngắn hạn khi đà tăng của đồng bạc xanh chững lại. Sau chuỗi ngày “leo dốc”, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) rạng sáng nay đã đảo chiều giảm nhẹ 0,49% xuống 108,51.
Đồng bạc xanh suy yếu khiến sức hấp dẫn của vàng, vốn được định giá bằng đồng USD, đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác được phục hồi trở lại.
Giá dầu thô tăng cũng hỗ trợ cho đà tăng của kim loại quý trong phiên giao dịch ngày 23/8 (giờ Mỹ). Rạng sáng nay, giá dầu thô Nymex cao hơn một cách vững chắc và giao dịch quanh mức 93,25 USD/thùng.
Ngoài ra, kim loại quý cũng được hưởng lợi nhờ sự “chao đảo” trên thị trường chứng khoán khi giới nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn sẽ tích cực chống lại lạm phát giá bằng cách tăng lãi suất của Mỹ với tốc độ nhanh chóng, ngay cả khi quyết định đó có thể đẩy nền kinh tế đầu tàu thế giới vào suy thoái.
Trong khi đó, thị trường dự báo tại Hội nghị Triển vọng kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 26/8, có thể Chủ tịch FED Jerome Powell thừa nhận tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại. Từ đó, không ít nhà đầu tư hạn chế nắm giữ USD, khiến sức mạnh của đồng bạc xanh sụt giảm.
Hiện thị trường hiện đang chờ đợi hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole, bao gồm bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell.
Jackson Hole là hội nghị thường niên dành cho các ngân hàng trung ương, bộ trưởng tài chính, chuyên gia kinh tế, người tham gia thị trường tài chính từ khắp nơi trên thế giới. Hội nghị được tổ chức từ năm 1978 tại Jackson Hole, Wyoming.
Tại hội nghị, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ có bài phát biểu về triển vọng, tầm nhìn kinh tế Mỹ. Các chuyên gia dự báo, những thông tin người đứng đầu FED tuyên bố có thể làm rung chuyển thị trường tài chính.
Phân tích về thị trường, ông Joe Foster, Giám đốc danh mục đầu tư tại VanEck cho rằng, vàng vẫn còn "sáng cửa" trong thời gian tới vì bất cứ sự suy yếu nào của đồng USD sẽ có lợi cho vàng. Với tình hình địa chính trị bất ổn như hiện nay, giới đầu tư vẫn coi kim loại quý là kênh trú ẩn an toàn.
Giá vàng trong nước tăng nhẹ
Giao dịch tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: TTXVN)
Tại thị trường trong nước, giá vàng có xu hướng đi lên theo đà tăng của vàng thế giới. Thời điểm 10h15, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC thị trường Hà Nội ở mức 66,3 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên cuối hôm qua (23/8).
Giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội được Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 66,05 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, doanh nghiệp điều chỉnh giá thu mua vàng SJC lên 66,25 triệu đồng/lượng và bán ra 67,06 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 130.000 đồng và 120.000 đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!