Từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng hơn 2%, vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce. (Ảnh: Reuters)
Tuần qua, thị trường vàng ghi nhận đà tăng trong hầu hết các phiên, khi đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm, còn các số liệu kinh tế yếu làm tăng khả năng lãi suất sẽ tăng chậm hơn, dù có những lo ngại về lạm phát liên quan đến giá dầu.
Dù quay đầu giảm vào 2 phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (5 - 6/4) trước khi công bố báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ, nhưng giá vàng vẫn tăng trong tuần qua khi dữ liệu kinh tế Mỹ yếu kém làm tăng lo ngại về suy thoái.
Kết thúc phiên giao dịch 6/4, giá vàng giao ngay giảm 0,6%, xuống 2.009,07 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 6/2023 hạ 0,5%, xuống 2.026,40 USD/ounce.
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng hơn 2%, vượt mốc quan trọng 2.000 USD/ounce, khi giá dầu tăng vọt sau thông báo cắt giảm sản lượng gây sốc của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, trong khi dữ liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ tại Mỹ suy giảm và có ít vị trí tuyển dụng hơn.
Đáng chú ý, phiên 5/4, giá kim loại quý thế giới chạm mức cao nhất trong 1 năm, khi các số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ thúc đẩy đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể ôn hòa hơn về chính sách tăng lãi suất.
Theo dự báo của ngân hàng UBS giá vàng sẽ vượt qua mức cao nhất mọi thời đại và đạt 2.200 USD vào cuối tháng 3/2024.
Nhà phân tích cao cấp tại chuyên trang về giao dịch kim loại quý Kitco Metals, ông Jim Wyckoff, cho biết các số liệu kinh tế kém lạc quan gần đây đã khiến thị trường e ngại rủi ro trở lại. Diễn biến đó có lợi cho những tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
"FED đang gặp khó khăn, vì lãi suất cao hơn có thể gây ra suy thoái kinh tế nhưng việc tạm dừng thắt chặt tiền tệ có nguy cơ thúc đẩy lạm phát. Cả 2 kịch bản đều tích cực đối với vàng", Paul Wong, chiến lược gia thị trường tại công ty tư vấn tài chính Sprott, nhận định.
Ngoài ra, đồng USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm cũng góp phần hỗ trợ giá vàng trong tuần này. Theo đó, chỉ số đồng USD dao động quanh mức đáy 2 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ chạm mức thấp nhất trong 7 tháng.
Vàng vốn được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát, tuy nhiên, lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không sinh lời này. Chủ tịch FED khu vực St. Louis, James Bullard, cho biết FED nên kiên trì nâng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát trong khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ.
Với nhiều bất ổn đang chi phối thị trường tài chính, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng việc giá vàng đạt mức cao kỷ lục mới trên 2.000 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng vàng sẽ gặp một số trở ngại trong việc chinh phục mức cao mới trong tuần tới.
Một số nhà phân tích cho rằng, nếu đồng USD tìm thấy một số động lực, nó có thể khiến các nhà đầu tư kiếm lời khi đặt cược vàng tăng giá.
"Đồng USD dường như đang cố gắng thiết lập một xu hướng tăng ngắn hạn trên biểu đồ hàng ngày, trong khi vàng tháng 6 có vẻ hơi bấp bênh. Tuy nhiên, chúng ta đã thấy câu chuyện này trước đây và nó thường kết thúc với việc đồng bạc xanh giảm giá và vàng tăng", nhà phân tích thị trường cao cấp Darin Newsom tại Barchart.com, cho biết.
Tương lai của đồng USD và vàng có thể sẽ được xác định bằng một số báo cáo vào tuần tới, trong đó có cả báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 3 vào thứ Sáu (7/4) tuần này. Bất chấp lo ngại suy thoái kinh tế ngày càng tăng, thị trường lao động Mỹ vẫn khá kiên cường khi số lượng việc làm được tạo ra trong tháng 3 tăng tương đối phù hợp với kỳ vọng.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 7/4 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã giảm nhẹ trong tháng 3. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm vẫn khá vững chắc, dấu hiệu cho thấy thị trường lao động tiếp tục thắt chặt.
Cụ thể, trong tháng 3/2023, các lĩnh vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 236.000 việc làm. Dữ liệu của tháng 2 cũng được điều chỉnh cao hơn với 326.000 việc làm được tạo thêm, thay vì 311.000 như báo cáo trước đó. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm nhẹ xuống 3,5%, từ mức 3,6% trong tháng 2.
Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định nhiều dữ liệu củng cố nhu cầu cắt giảm lãi suất "có thể giúp vàng giữ trên mốc 2.000 USD/ounce và có thể đưa kim loại quý vào vùng giá chưa được khám phá".
Dù giới đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm của Mỹ để tìm kiếm định hướng đầu tư, nhưng phản ứng của họ sẽ chỉ trở nên rõ ràng vào tuần tới.
Giá vàng trong nước biến động trái chiều
Mua bán vàng tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: NLĐ)
Tại thị trường trong nước, giá vàng hôm nay biến động trái chiều. Thời điểm 10h55', Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,4 - 67,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên hôm qua (7/4).
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội cũng được doanh nghiệp điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với chốt phiên hôm qua. Sau điều chỉnh, giá vàng giao dịch ở mức 66,35 - 67,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá vàng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua vào và 40.000 đồng/lượng chiều bán ra. Hiện vàng giao dịch ở mức 66,4 - 67 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!