Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm?

Hoa Trà-Thứ ba, ngày 10/08/2021 06:08 GMT+7

VTV.vn - Hơn 10 ngân hàng được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, có ngân hàng lên tới 17%. Được rộng cửa cho vay, ngân hàng sẽ đổ vốn vào đâu?

Hơn 10 ngân hàng thương mại vừa được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng nghĩa sẽ có thêm hàng nghìn tỷ đồng được các ngân hàng thương mại cho vay ra. Trong văn bản giao hạn mức, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải xây dựng kế hoạch, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên.

3/5 lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao

Thực tế, trong nửa đầu năm, có 3/5 lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tín dụng ước tính cao hơn mức trung bình. Dẫn đầu là tín dụng cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%, vốn cho xuất khẩu tăng 9%, cho công nghiệp hỗ trợ tăng 6,9%. Còn lại, cho vay nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8% và cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng xấp xỉ 4%.

Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm? - Ảnh 1.

Trong nửa cuối năm, nhiều ngân hàng cũng cam kết tăng cho vay sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh cho vạy sản xuất kinh doanh

Hạn mức tín dụng của ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank đã được nới từ 10,5% lên 12,5%. Với cơ cấu hơn 1 nửa là dành cho vay sản xuất kinh doanh, những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch sẽ được ưu tiên hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Vietcombank, cho biết: "Toàn bộ hạn mức được cấp tăng thêm sẽ dành cho các lĩnh vực thiết yếu, sản xuất, phục vụ nhu cầu đời sống của người dân".

Hàng loạt các gói tín dụng hỗ trợ LS cũng được nhiều ngân hàng triển khai. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV đã dành 6100 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, đặc biệt với người dân, doanh nghiệp ở các địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV chia sẻ: "Chúng tôi đang triển khai các chương trình giảm lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2% với khoản vay tập trung vào các ngành như: hàng không, dịch vụ lưu trú, du lịch, khách sạn, nhà hàng...".

Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm? - Ảnh 2.

Thống kê từ NHNN cho biết, trong đợt giảm lãi suất từ giữa tháng 7 vừa qua, 16 ngân hàng đã cam kết giảm lãi hơn 20.300 tỷ đồng, trực tiếp dành cho những khách hàng đang có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng. Mức giảm từ 0,5%-3%/năm.

Doanh nghiệp kỳ vọng đơn giản hóa việc tiếp cận vốn vay

Tín dụng vốn được xem là huyết mạch của nền kinh tế. Miễn giảm lãi suất, được cấp vốn kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Các ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay cũng không hề dễ dàng vì nhu cầu tín dụng có thể sụt giảm. 

Không có nhà xưởng, văn phòng phải đi thuê, Công ty TNHH Công nghiệp HAT Việt Nam mong muốn các ngân hàng sẽ không bắt buộc phải có tài sản đảm bảo mới cho vay. Thay vào đó, sẽ có nhiều hơn các ngân hàng đồng ý cho doanh nghiệp thấu chi trước 1 khoản để kịp thời có nguồn tiền quay vòng sản xuất.

Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Hà Lan sở hữu 350 đầu xe chạy các tuyến liên tỉnh, thế nhưng do dịch, 200 đầu xe phải nằm bãi, số còn lại hoạt động cầm chừng. mong mỏi được giãn nợ, nhưng theo doanh nghiệp, việc thực thi chính sách của các ngân hàng chưa thống nhất.

Giải pháp nào để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm? - Ảnh 3.

Hình minh họa

Theo chuyên gia, tình hình dịch bệnh làm gián đoạn việc đi lại, cũng gây khó cho công tác thẩm tra, đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, các ngân hàng cần đổi mới quy trình sàng lọc, áp dụng công nghệ nhiều hơn khi cấp tín dụng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng, cho biết: "Doanh nghiệp vừa và nhỏ hạng trung đang bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, thành ra giảm lãi suất cho doanh nghiệp là tốt nhưng vấn đề là doanh nghiệp có vay được món vay mới hay không".

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, Ngân hàng nhà nước cần kiểm soát chặt việc cho vay, để tránh tình trạng vốn lại đổ vào các lĩnh vực rủi ro như BĐS, chứng khoán, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Đến cuối tháng 6, tín dụng mới tăng khoảng 5,4% trong khi mục tiêu của cả năm là 12%. Vì thế, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để tăng cho vay trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước đã nhiều lần cảnh báo nếu phát hiện vấn đề bất thường ở các ngân hàng thương mại, cho vay vượt quá quy định với các lĩnh vực rủi ro thì sẽ cắt giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đó.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước