Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú đưa ra khẳng định trên tại buổi họp báo thường kỳ ngày 21/6, liên quan tới một số đề xuất cho rằng nên bỏ hạn mức tín dụng vì hiện nhiều ngân hàng đã gần hết room tăng trưởng. Đến giữa tháng 6, tín dụng đã tăng 5,1%, cao hơn gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm 2020.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trần hạn mức tín dụng là công cụ điều hành quan trọng, góp phần quản lý chất lượng tín dụng. Vì Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng ngân hàng để giao hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp.
Đến giữa tháng 6, tín dụng đã tăng 5,1%, cao hơn gấp đôi mức tăng cùng kỳ năm 2020. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Mục tiêu quan trọng hơn của chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô. Với quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP hiện nay, tức nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, nên nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.
"Nếu không quản lý tốt việc tăng trưởng này một cách hài hòa, hợp lý thì nó sẽ tạo ra sự bất ổn với các ngân hàng thương mại. Cứ hình dung 1 năm tín dụng tăng vài chục %, ồ ạt đưa ra chất lượng tín dụng không đảm bảo, chỉ 1 - 2 năm, nợ xấu lại dâng lên, thì bất ổn ngay, nên phải kiểm soát, vừa đảm bảo cung ứng vốn, vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhận định.
Hạn mức tín dụng cao hơn cũng được xem xét cho những ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ vậy, dòng vốn sẽ được điều chỉnh vào sản xuất, kiểm soát chặt cho vay với lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!