Tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ghi nhận sự sụt giảm tới 23% so với năm 2022. Đặc biệt nhóm các mặt hàng nông sản chính đạt 1,7 tỷ USD cũng giảm tới 13% so với cùng kỳ.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm trên do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, khiến đơn hàng của các doanh nghiệp bị sụt giảm từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản cũng đứng trước áp lực chi phí tăng cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới bị giảm sút do sản phẩm phải đội giá, dẫn tới tiêu thụ chậm. Một nguyên nhân khách quan khác là do số ngày thống kê kim ngạch xuất khẩu của tháng 1 cũng ít hơn do thời gian nghỉ lễ Tết kéo dài.
Để cải thiện tình hình trên, vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế. Theo đó, hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp sẽ được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này. Tuy nhiên muốn tận dụng cơ hội trên, doanh nghiệp xuất khẩu phải chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình thị trường thế giới.
Doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, tăng độ phủ thị trường xuất khẩu
Ngô ngọt sau khi được đông lạnh và đảm bảo nhiệt độ -18oC sẽ được đưa vào máy để đóng gói. Sau khi được đóng gói thành những gói nhỏ, ngô sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Theo đại diện doanh nghiệp, ngô ngọt là một trong những mặt hàng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tới 40% so với cùng kỳ năm 2022. Chính việc đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận nhiều hơn tới khách hàng của mình, doanh nghiệp có thể đảm bảo tốc độ tăng trưởng các mặt hàng xuất khẩu.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Doanh nghiệp có cơ cấu 50 sản phẩm nông sản đã qua chế biến. Vì vậy, sự sụt giảm đơn hàng của các sản phẩm cao cấp như xoài, dâu tây… lại được bù đắp bởi sức tăng của những sản phẩm có giá bình dân hơn.
"Hiện tại chúng tôi đang tập trung xuất khẩu rất nhiều, như chanh dây, dứa, ngô, vải...", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.
Sau 5 năm, thị trường khu vực Đông Bắc Á có Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc từ thị trường mới tiềm năng, nay lại là thị trường chủ lực, tốc độ tăng trưởng mạnh nhất đạt mức trên 100% trong năm 2022. Như vậy, ngoài việc đa dạng sản phẩm, doanh nghiệp cần chiến lược đa dạng hóa thị trường.
"Từ nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác và tìm hiểu quy định về chất lượng sản phẩm của họ thì chúng tôi mất hơn 5 năm, đến nay khi đi vào thị trường Đông Bắc Á, lượng hàng cũng như sự tăng trưởng của thị trường rất ổn định", ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, cho biết.
"Tìm thêm những ngách thị trường phù hợp với khả năng cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam cũng như còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam, như thị trường châu Phi, Trung Đông", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho hay.
Xuất khẩu xanh hướng tới tăng trưởng bền vững
Theo thống kê, trong tháng 1 vừa qua, thị trường châu Âu ghi nhận mức giảm 35%, thị trường châu Mỹ giảm 32%, đây vốn 2 thị trường lớn của nông sản Việt Nam, nhưng cũng ghi nhận mức giảm nhiều nhất.
Đi ngược lại với xu hướng giảm, nhiều doanh nghiệp đang phát triển dòng sản phẩm xanh, thúc đẩy xuất khẩu xanh lại có mức tăng khá ấn tượng.
Quế được trồng tại nhà ông Đại (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) mỗi năm phải đánh giá chuẩn hữu cơ một lần. Nhà ông Đại vài năm nay đã quen với cách canh tác này.
Không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, vừa giảm chi phí sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. 2 ha quế nhà ông mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
"Mình cam kết thì mình phải thực hiện đúng để đảm bảo công ty xuất được, mình cũng tiêu thị được. Khi đầu ra tốt mới đảm bảo thu nhập của mình", ông Trần Quang Đại, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, chia sẻ.
"Đề ra đội ngũ cán bộ trong các thôn kiểm soát lẫn nhau và cuối năm kiểm tra chéo về canh tác nội bộ nông hộ", bà Triệu Thị Minh Thúy, Phụ trách thu mua nguyên liệu, Công ty CP Quế Hồi Việt Nam, cho hay.
Nhờ vậy, trong suốt 6 năm qua, Công ty CP Quế hồi Việt Nam vẫn duy trì chất lượng ổn định. Các sản phẩm quế có chứng nhận hữu cơ, organic xuất khẩu vào thị trường Mỹ vẫn tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Mỹ là một trong những thị trường hứa hẹn về các dòng sản phẩm mới như dòng sản phẩm bột để làm bánh, các sản phẩm quế thanh dùng để trang trí trong dịp Noel, dược liệu", anh Nguyễn Bá Mão, Giám đốc sản xuất Công ty CP Quế hồi Việt Nam, cho biết.
Quế sau khi được tách vỏ sẽ được phơi khô. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay đạt khoảng hơn 335 triệu USD/năm, tăng hơn 400% giá trị xuất khẩu hàng hữu cơ hàng năm giai đoạn 2010 - 2016.
"Chúng ta phải nâng cao chất lượng với giá trị thương hiệu hàng nông sản của chúng ta thì sẽ đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, khi người tiêu dùng ưa chuộng hàng nông sản của chúng ta thì thị trường sẽ rộng mở", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận định.
Ngoài việc đảm bảo chất lượng chuẩn organic, hiện nay nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đa dạng hóa các mẫu mã bao bì sản phẩm để chiều lòng khách hàng của mình.
Trong thời gian tới, liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp phối hợp với hệ thống tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp tại nước ngoài để nắm bắt thông tin cũng như yêu cầu xuất khẩu tại thị trường trọng điểm.
Ngay từ những tháng đầu năm, thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 54 - 55 tỷ USD năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!