Ding Jia, Chủ quán bar cà phê và cocktail mang tên Ding Plus.
Sau thời gian làm việc ở một vài công ty, cô sinh viên mới ra trường Ding đã thành công với quán bar cà phê và cocktail mang tên Ding Plus. Mặc dù không mấy dễ dàng, nhưng theo Ding, những dự án khởi nghiệp như vậy vô cùng hứa hẹn.
Ding Jia, Chủ cửa hàng chia sẻ: ‘Không phải ai cũng có thể thành công với ý tưởng kinh doanh. Vấn đề là bạn phải có được nhiều kiến thức để đáp ứng các nhu cầu và biến đổi trong xã hội’.
Cùng suy nghĩ với cô là các học viên tại trung tâm mang tên ‘Trường Kinh doanh ước mơ’ tại Thượng Hải. Được lập ra theo phong cách Thung lũng Sillicon, đây là vườn ươm cho các doanh nhân khởi nghiệp phát triển các ý tưởng và kỹ năng kinh doanh.
Anh Song Chengzhou, học viên cho biết: ‘Tôi từng là kỹ sư điện tử, cả ngày chỉ làm những công việc do sếp giao, việc đó rất nhàm chán nên tôi quyết định cùng bạn bè tới đây để mở doanh nghiệp riêng’.
Trong những năm gần đây, hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc đang phải vật lộn với việc tìm kiếm việc làm ổn định, có mức lương đủ sống sau khi tốt nghiệp. Chính bởi điều này, nhiều người đã quyết định mở doanh nghiệp riêng. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, đây không phải là hướng đi dễ dàng, không chỉ bởi các quy định còn chưa thông thoáng, mà còn ở bản thân khả năng của các doanh nhân.
Bà Cui Ernan, chuyên gia phân tích thị trường lao động cho rằng: ‘Đa số các ý tưởng kinh doanh không đáp ứng được nhu cầu xã hội, kéo theo doanh nghiệp chết yểu. Lý do là vẫn có một khoảng cách xa giữa những gì họ được đào tạo trong trường học với thực tế thị trường’.
Tuy nhiên những tấm gương thành công như Jack Ma của Alibaba vẫn đang góp phần thúc đẩy thị trường doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc ngày càng trở nên sôi động nhất trên thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!