Gỡ khó về logistics cho nông sản

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 30/12/2024 15:18 GMT+7

VTV.vn - Nguyên nhân chính khiến chi phí logistics cao được cho là do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hạ tầng logistics chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay của Việt Nam đạt mức kỷ lục 62,4 tỷ USD. Nông sản Việt cũng đã xuất khẩu đi hơn 200 nước trên thế giới. Tuy nhiên, chi phí logistics của nước ta trung bình ở mức 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là khoảng 10% của thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Giải quyết bài toán về hạ tầng logistic đang là bài toán đặt ra với nhiều địa phương.

Chi phí logistics hiện chiếm 12% giá thành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo. Nguyên nhân chính khiến chi phí cao được cho là do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, hạ tầng logistics chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ cho hay: "Tôi nghĩ Việt Nam cần tập trung phát triển những trung tâm logistics, đưa các cảng về các khu xuất khẩu nhiều hơn như miền Tây chúng ta chẳng hạn. Kết hợp với các hãng tàu của nước ngoài thì việc chủ động trong việc logistics sẽ tốt hơn rất nhiều so với thuê tàu như hiện nay".

Mỗi năm, lượng hàng hóa xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long lên đến hàng chục triệu tấn. Trong đó, tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp qua cảng biển chiếm chưa tới 5%. Còn lại 95% là phải vận chuyển đường bộ đến các cảng tại TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu. Điều này làm đội chi phí logistics thêm khoảng 10-15 USD/tấn hàng.

Do hệ thống luồng lạch không đáp ứng điều kiện vận tải biển nên đến thời điểm này toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ có 1 cảng biển loại 1 và 11 cảng biển loại 2.

"Tỉnh đã giao ngành giao thông để nghiên cứu, trước mắt là chính sách cơ chế hỗ trợ cho các chủ tàu về. Từ các chủ tàu về thì chúng ta sẽ tìm luồng hàng, như vậy chúng ta sẽ định hình các vùng, các huyện để đẩy mạnh đầu tư các bến thủy nội địa", ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho hay.

Ông Đồng Văn Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: "Đối với các luồng sông thuộc trung ương quản lý thì chúng tôi cũng đề xuất trung ương có giải pháp để nạo vét, đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa của các tàu lớn. Đối với các tuyến vận chuyển ở mức thấp hơn mà địa phương quản lý thì chúng tôi cũng ưu tiên kinh phí để nạo vét".

Trong các buổi làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ liên tục đôn đốc các địa phương phải nghiên cứu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của miền Tây, mà điểm nhấn là giao thông thủy nội địa. Có như vậy mới giúp giảm được chi phí vận chuyển, tạo động lực giúp đồng bằng sông Cửu Long - vựa nông sản của cả nước sớm cất cánh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước