"Hạ sốt" cho trái đất?

PV-Thứ tư, ngày 03/07/2024 07:22 GMT+7

Khí thải nhà kính như CO2 là thứ khiến trái đất "sốt"

VTV.vn - Khí thải nhà kính như CO2 là thứ khiến trái đất "sốt" và nếu không giảm thiểu được sẽ khiến con người phải đối mặt với một bờ vực nguy hiểm.

Khi con người hút cạn tài nguyên trái đất

Mức tăng của nhiệt độ trung bình Trái Đất đã gần ngưỡng 1,5 độ C. 1,5 độ C giống như một chiếc biển báo ngược chiều. Biển báo 1,5 độ C giúp con người nhận diện, có thể lựa chọn những con đường khác, cách đi khác an toàn hơn, để thế hệ sau không phải chịu hậu quả.

Theo thông tin từ Natgeo, trái đất mới hình thành được 4,5 tỷ năm. Và trong 4,5 tỷ năm đó, con người mới tồn tại trên hành tinh này được 300.000 năm trở lại đây. Nếu ví Trái Đất như một em bé 4,5 tuổi thì em bé này mới làm quen với loài người, mới gặp gỡ loài người được vài tháng. Nhưng trong vài tháng ngắn ngủi, loài người đã kịp khiến cho em bé này sốt cao hơn 1,5 độ C bằng những hoạt động kinh tế, xã hội phục vụ cho cuộc sống của con người.

Trong 60 năm qua, dân số các quốc gia bùng nổ, một nửa số lượng động vật hoang dã đã biến mất. Từ đó đến nay, một nửa diện tích rừng nhiệt đới trên toàn thế giới cũng bốc hơi. Con người cũng sắp rút cạn nguồn nhiên liệu hóa thạch được tích lũy hàng triệu năm qua trong lòng đất và dưới đại dương.

Dấu chân Carbon của con người đã ở khắp nơi trên hành tinh xanh không còn xanh này. Dấu chân của xe cộ, của khí thải, nhà cửa, xây dựng, của ống khói, của hoá chất phân bón, của đốt phá rừng làm nương rẫy. Khí thải nhà kính như CO2 là thứ khiến trái đất "sốt" và nếu không giảm thiểu được sẽ khiến con người phải đối mặt với một bờ vực nguy hiểm.

Hạ sốt cho trái đất? - Ảnh 1.

Dấu chân Carbon của con người đã ở khắp nơi trên hành tinh xanh không còn xanh

Hạn hán, xâm nhập mặn tác động rất lớn đến kinh tế

Với lượng phát thải như hiện nay, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng cao từ 17,5 mm đến 52,4 mm vào năm 2100. Những trận lũ lụt và bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Từ giờ đến năm 2030, hàng chục thành phố có thể sẽ nằm dưới mực nước biển. 5 thành phố đứng đầu danh sách chìm dưới mực nước biển này sẽ là Amsterdam - Hà Lan; Basra - Iraq, New Orleans, Mỹ (nơi đã hứng chịu cơn bão Katrina); Vernice – Italia và đứng thứ 5 là Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam.

Nói về vấn đề này, ông Hồ Long Phi – Nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Đòi hỏi phải có những giải pháp thích ứng. Trong đó, hạ tầng rất quan trọng. Như tại Hà Lan, họ dành 1-2% GPD cho việc ứng phó. Đối với TP. Hồ Chí Minh, thứ nhất là giảm nhẹ thiệt hại, thứ hai là tìm cách hạ thấp nguy cơ nhưng điều đó sẽ rất chậm. Ngập lụt đến rồi đi, hạn hán và đặc biệt xâm nhập mặn tác động rất lớn đến kinh tế. Nếu điều đó xảy ra ở TP. Hồ Chí Minh thì vô phương".

Khô héo và xác xơ là những gì còn lại của hàng chục nghìn ha thanh long cây trồng lâu năm ở tỉnh Bình Thuận. Người dân Nam Trung Bộ nhiều nơi cũng phải chen chúc đi xin nước từ xe bồn. Quần áo bẩn, chén bát ăn cơm xếp đầy chậu cũng vì không có nước rửa. Nước tắm rửa bơm dưới kênh rạch lên, đánh phèn cho bớt đục. Những trụ bê tông vốn làm trụ giá đỡ cho cây thanh long giờ cũng trơ trọi, gia cầm gia súc gầy mòn. Đất đai còn nhiều nhưng vì thiếu nước nên nhiều năm qua, sự đói nghèo vẫn đeo đẳng người dân nơi đây.

Quay lại với những thiệt hại của cơn bão Katrina tại bang New Orleans, Mỹ. Sau cơn bão này, tổng tài sản cần được bảo hiểm lên đến 50 tỷ USD bao gồm nhà cửa, xe cộ bị cuốn trôi. Trong hai năm gần đây, có khoảng 20 công ty bảo hiểm đã phải tháo chạy khỏi bang New Orleans của Mỹ vì bang này luôn phải hứng chịu những cơn bão và họ gọi đây là rủi ro do biến đổi khí hậu.

Cá voi được định giá 2 triệu USD nhờ giá trị môi trường

Đối với hành tinh, môi trường và sự sống này, cá voi là một mắt xích quan trọng giúp cho sự sống được duy trì, giúp hành tinh có không khí để thở. Và vì thế, cá voi đã được định giá khác.

Cá voi là một máy lọc không khí khổng lồ, nhờ khả năng xử lý CO2 để sản sinh O2 của các sinh vật phù du sống cộng sinh với cá voi. Trung bình một vòng đời cá voi có thể xử lý được 33 tấn CO2, trong khi một cái cây chỉ lưu giữ được khoảng 22 kg CO2 mỗi năm. Và khi cá voi chấm dứt vòng đời, nó sẽ chìm xuống đáy biển, cùng với đó chôn sâu lượng CO2 đã cất giữ cho hàng thế kỷ sau, đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Vì giá trị vốn có của cá voi đặc biệt quan trọng nên các nhà kinh tế học cho rằng, một con cá voi có thể được định giá tới 2 triệu USD nhờ vào khả năng hấp thụ CO2 của nó. Một đàn cá voi của Brazil sẽ có giá trị 82 tỷ USD - gấp 10 lần xuất khẩu cà phê, là một mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của nước này trong năm 2022.

Chọn lựa giữa một ngôi nhà và một con cá voi - những thứ trước giờ con người coi là tài sản, hay không hề coi là tài sản, khi thế giới biến đổi khí hậu trầm trọng, quan niệm của con người về những loại "tài sản" này sẽ khác. Và đã đến lúc, con người cần phải trả vạn vật về giá trị vốn có của nó. Khi nhận thức sâu sắc được vết chân của mình đã in hằn trên hành tinh này, con người đều hiểu rằng, mình phải có trách nhiệm với mỗi dấu chân để lại. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước