Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ hôm 16/8 vừa triệt phá một đường dây nhập hàng giả vào nước này trị giá lên tới gần nửa triệu USD. Đây không phải là lần đầu tiên hàng giả nhập vào Mỹ bị phát hiện, nhưng là một trong những vụ việc có giá trị lớn từ trước tới nay. Điểm đáng chú ý, đích đến chủ yếu của số hàng này lại là thành phố New York, trung tâm mua sắm của thế giới.
Theo trang CNBC, Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Mỹ đã phát hiện 22 container chứa đầy hàng giả mang những thương hiệu nổi tiếng được chuyển về từ Trung Quốc. 20 container trong số đó được đưa đến cảng New York và New Jersey. 2 container còn lại được chuyển về cảng Los Angeles. 33 người đã bị bắt vì dính líu tới đường dây này.
Chuyện hàng giả xuất hiện ở Mỹ nói chung và ở New York nói riêng từ lâu đã không phải là hiếm. Thế nhưng người tiêu dùng thường nghĩ rằng, những mặt hàng như vậy chỉ bán chui hoặc bán ngoài vỉa hè. Còn các cửa hàng có giấy phép kinh doanh sẽ không bán những mặt hàng đó. Tuy nhiên, việc bóc trần đường dây vừa qua đã làm nhiều người thay đổi suy nghĩ.
Tờ New York Times cho biết, hầu hết các thương hiệu hạng sang đều bị làm giả như túi xách Gucci, thắt lưng Hermes, ví Tory Burch và nước hoa Channel… Những người nhập hàng giả này về đứng tên dưới dạng nhân viên hợp pháp của công ty xuất nhập khẩu với email và địa chỉ rõ ràng. Số hàng hóa nếu chót lọt sẽ được chuyển về nhà kho ở các quận của New York, sau đó các nhà bán buôn sẽ phân phối tới các cửa hàng bán lẻ khác.
Không chỉ xuất hiện ở những cửa hàng bán lẻ, hàng giả tại Mỹ cũng đang tận dụng triệt để hình thức thương mại điện tử. Các trang bán hàng trực tuyến lớn không thể tự cung cấp mọi hàng hóa, họ mở cửa cho các công ty, cá nhân cùng tham gia kinh doanh. Thế nhưng đây lại là kẽ hở lớn để hàng giả tới tay người tiêu dùng.
Theo ghi nhận của hãng tin CBS, tại Mỹ, hàng giả được bán nhiều hơn theo hình thức bán hàng online, trên Amazon, Walmart, eBay, hay Sears. Cơ quan điều tra đã thử mua 47 mặt hàng trên các trang này từ người bán là bên thứ 3, 20 mặt hàng trong số đó được xác định là giả. Điều đáng nói, số hàng này đều được gửi đi từ các địa chỉ ở Mỹ và 90% người mua trước đó đều đánh giá tích cực.
Trang Nước Mỹ ngày nay trích số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) cho thấy ngành công nghiệp hàng giả toàn cầu ngày càng phình to, với giá trị lên tới 250 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm khoảng 1,7 tỷ USD. Trong 1,7 tỷ USD giá trị hàng hóa giả, túi xách và ví da bị làm giả nhiều nhất, chiếm tới hơn 40%, tiếp đến đồng hồ và đồ trang sức (29%).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!