Tòa nhà sập ở ngoại ô thành phố Dhaka, Bangladesh hôm 28/4. Ảnh: AP.
Trước khi xảy ra thảm họa sập nhà khiến 400 người thiệt mạng, Bangladesh là một trong những nơi sản xuất hấp dẫn nhất thế giới. Lao động Bangladesh có trình độ khá tốt, lương lại thấp, chỉ riêng trong ngành dệt may, hiện có 3,6 triệu lao động đang làm việc, tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may năm ngoái lên đến 18 tỷ USD.
Bangladesh đứng thứ hai thế giới về giá trị xuất khẩu hàng dệt may. Sau thảm họa tại công ty may, 2 công ty là Primark của Anh và Joe Fresh đã cam kết bồi thường cho gia đình nạn nhân. Nhưng với nhiều người phương Tây, như thế chưa đủ.
Ông Eric Dirnbach, Chuyên gia thuộc Tổ chức quyền lao động quốc tế (ILR) cho rằng: “Người Mỹ chắc chắn không bận tâm nếu giá có nhích lên một chút khi doanh nghiệp cải thiện môi trường lao động. Họ yêu cầu rất cao về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với từng sản phẩm, họ muốn doanh nghiệp có công nhân thiệt mạng trong vụ sập nhà vừa qua phải chịu trách nhiệm nhiều hơn”.
Ông chia sẻ, hiện không ít người tiêu dùng Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới chỉ trích và tẩy chay hàng hóa của các doanh nghiệp có người lao động thiệt mạng tại xưởng may bị sập.
Janou Silva, người tiêu dùng Mỹ nói: “Tôi sẽ không mua hàng ở đó, hãng Amber Love có quá nhiều công nhân thiệt mạng trong vụ sập nhà”.
Cô cho rằng, người tiêu dùng cần phải có trách nhiệm hơn với sản phẩm mà họ tiêu dùng. Tuy nhiên cũng còn nhiều người thờ ơ, họ cho rằng, tai nạn lao động là chuyện của doanh nghiệp…