Hàng loạt dự án xin xén rừng tự nhiên

Ban Thơi sự-Chủ nhật, ngày 22/11/2020 11:59 GMT+7

VTV.vn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo và bác không ít đề nghị của các địa phương về việc xin chuyển đổi đất rừng.

Thời gian qua, biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra thường xuyên, gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở một số địa phương, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân, nhưng các chuyên gia đang đặt vấn đề là có sự ảnh hưởng của việc diện tích rừng tự nhiên bị giảm.

Diện tích rừng tự nhiên bị giảm có nguyên nhân từ việc các địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng các dự án. Vấn đề này cũng là tâm điểm làm nóng nghị trường Quốc hội trong kỳ họp vừa qua. Đây cũng là một trong những chủ đề được nhiều tờ báo tập trung phân tích trong tuần này.

"Hàng loạt dự án xin xén rừng tự nhiên" là hàng title lớn và cũng là lời cảnh báo được tờ Tiền phong đăng tải. Tờ báo thông tin, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo và bác không ít đề nghị của các địa phương về việc xin chuyển đổi đất rừng.

Hàng loạt dự án xin xén rừng tự nhiên - Ảnh 1.

Diện tích rừng tự nhiên đang bị giảm. Ảnh minh họa - Dân trí.

Gần đây nhất, chỉ trong 1 ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tiếp ra 3 văn bản bác kiến nghị xin chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên để thực hiện các dự án làm đường giao thông, điện gió, khai thác đá vôi của 3 tỉnh, trong đó, nhấn mạnh đề nghị các tỉnh cần cân nhắc khi đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Đặc biệt lưu ý các dự án khu vực miền núi như tỉnh Quảng Nam, nơi có nền địa chất yếu, đồi núi có độ dốc lớn, phức tạp. Hay với tỉnh Bình Thuận, cần lưu ý với rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, cũng như các hoạt động tác động làm thay đổi cân bằng sinh thái khu vực ven biển.

Còn với đề xuất chuyển đổi hơn 38 ha rừng tự nhiên để là mỏ đá vôi ở tỉnh Ninh Bình, tờ Lao động bình luận: Hơn 38ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là quá quý giá, vô giá. Cho dù bán bao nhiêu tấn đá vôi cũng không thể đổi lại được giá trị của rừng tự nhiên.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi dự án này bị bác bỏ. Tờ báo cũng cho rằng, chỉ bác bỏ thôi có lẽ cũng chưa thỏa đáng, mà cần ở một mức cao hơn, cần phê phán những đề xuất phá rừng như vậy. Ngược lại cũng cần ủng hộ, khen thưởng những địa phương giữ rừng, trồng rừng hiệu quả.

Thực tế là trong 3 năm qua, đã có hơn 3.600 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng. Tổng diện tích đề nghị là hơn 180.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ xem xét chấp thuận hơn 130 dự án, chiếm hơn 1,8% diện tích đề xuất.

Kiểm soát chặt chẽ việc xin chuyển đổi mục đích rừng

Theo Tờ Thanh niên thông tin, đóng cửa rừng tự nhiên là yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo cụ thể trong Kết luận số 97 năm 2014 và được Chính phủ cụ thể bằng nhiều nghị quyết, quyết định yêu cầu các địa phương nghiêm túc quán triệt thực hiện. Đến năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục có Chỉ thị số 13 yêu cầu dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế rừng vẫn đang bị đe dọa tàn phá bằng các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng loạt dự án xin xén rừng tự nhiên - Ảnh 2.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cảnh báo và bác không ít đề nghị của các địa phương về việc xin chuyển đổi đất rừng. Ảnh minh họa - Dân trí.

Bên cạnh việc trồng lại, trồng mới rừng, cách tốt nhất để bảo vệ con người trước thiên tai mưa lũ ngày càng phức tạp là phải bảo vệ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện có.

Tuy nhiên, tờ Nông nghiệp Việt Nam còn chỉ ra một thực tế đáng lo ngại khác đó là chất lượng những diện tích rừng tự nhiên hiện có của nước ta đang ở mức thấp. Diện tích rừng tự nhiên giàu giá trị chỉ chiếm có 15% trong khi hơn một nửa diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, nghèo kiệt và còn suy giảm ở nhiều nơi. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng gặp nhiều khó khăn.

 Tờ báo phân tích, nhiệm vụ của ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới là hết sức nặng nề, nhất là trước biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để quản lý chặt chẽ, trong đó, các cơ quan nhà nước có chức năng gác cổng bảo vệ rừng cần tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là với các dự án phát triển kinh tế, xã hội, thủy điện, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế trước mắt thiếu bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước