Trong vòng 3 năm, chỉ tính riêng ở xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã có hàng chục cơ sở sản xuất điều ra đời. Còn toàn tỉnh Bình Phước, số cơ sở cũng đã tăng lên gấp đôi chỉ sau 3 năm, lên 600 cơ sở. 95% trong số này đều là những cơ sở sản xuất nhỏ - công suất chỉ vài ngàn tấn mỗi năm. Thế nên khi thị trường có biến động, giá sụt giảm xảy ra, các cơ sở này không đủ sức chống chọi.
Nửa đầu năm nay, nhu cầu điều thế giới chỉ tăng 5% trong khi lượng cung điều của Việt Nam lại tăng gấp 5 lần - hơn 25% - khiến gây ra tình trạng dư cung. Cộng với việc giá điều nhân xuất khẩu đang ở trong chu kỳ giảm nên các cơ sở tranh nhau bán tháo.
Thêm vào đó, 80% nguyên liệu điều đang phải nhập khẩu nên việc tăng công suất đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, bị ép mua với giá cao nhưng hàng lại về nhỏ giọt.
Hiệp hội Điều Việt Nam thừa nhận đa số các nhà máy chế biến hạt điều phải đóng cửa đều là các doanh nghiệp nhỏ lẻ nhưng rõ ràng việc không có sự liên kết, mạnh ai nấy làm là thực trạng đáng báo động đang gây thêm khó khăn cho ngành điều, đặc biệt khi thị trường có những biến động.
Trước tình hình giá hạt điều nhân xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng giảm, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến trong nước cần giảm công suất, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, tập trung vào chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Mặc dù vậy, cơ quan này cũng dự báo trong những tháng cuối năm nay, thị trường sẽ thuận lợi hơn bởi theo yếu tố chu kỳ, các nhà nhập khẩu thường đẩy mạnh mua điều nhân vào cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!