Hiện có khoảng 1,7 triệu lao động di chuyển qua biên giới EU mỗi ngày và 57 triệu hành trình được thực hiện mỗi năm. Nếu Hiệp ước Schengen bị xóa bỏ, chỉ tính riêng chi phí chờ đợi ở các biên giới cũng khiến EU mất 3 tỷ Euro mỗi năm. Ngoài ra, nó còn tác động mạnh đến giá trị giao thương hàng hóa trị giá 2.800 tỷ Euro mỗi năm giữa 28 nước thành viên EU.
Bằng chứng trước đó là Đan Mạch và Thuỵ Điển sau khi thực hiện thắt chặt biên giới, ước tính cũng đã bị mất đến 300 triệu Euro hàng năm. Thế nhưng, chính nước Đức, quốc gia đã tiếp nhận 1 triệu người di cư trong năm ngoái phải thừa nhận, việc tiếp nhận người di cư cũng đã gây ra những hệ luỵ.
Ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng Đức nói: “80% người tị nạn không có bằng cấp, số người tị nạn mù chữ cũng đang gia tăng, những người trẻ đến Đức không được đào tạo và thậm chí có những người không muốn được đào tạo. Đó là những thách thức chúng ta phải đối mặt”.
Trong khi đó, Thủ tướng Serbia cho rằng, việc thắt chặt biên giới càng làm gia tăng vấn nạn buôn người. Dòng người tị nạn không ngừng gia tăng đã giúp cho bọn buôn người kiếm bộn tiền từ 3-6 tỷ Euro chỉ riêng trong năm 2015. Chính vì vậy, một giải pháp toàn diện cho vấn đề người di cư cần sớm được đưa ra.
Ông Aleksandar Vucic, Thủ tướng Serbia nói: “Ngày nay, người tị nạn phải trả từ 700-1.200 Euro để được bọn buôn người đưa vào Serbia và cũng phải trả con số tương tự nếu muốn vào Croatia. Chúng ta cần sớm có giải pháp toàn diện, nếu không sẽ phải đối mặt với các vấn đề khủng khiếp về kinh tế và các vấn đề khác trong khu vực châu Âu”.
Vậy làm sao để vừa giải quyết được vấn đề người tị nạn, vừa không để tác động đến nền kinh tế trong nội khối EU và ngăn chặn sự sụp đổ của đồng Euro đang thực sự là bài toán nan giải đối với Liên minh châu Âu vào lúc này.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!