Theo quy định về chất lượng sản phẩm nguyên liệu đầu vào của Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng, đối với các hộ gia đình tham gia vùng trồng dược liệu, cây phải được trồng trong điều kiện sạch, đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới GACP. Theo tiêu chuẩn mới, cán bộ của nhà máy sản xuất dược liệu giám sát chặt chẽ từ công đoạn chọn giống, trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch Atiso.
Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng đã áp dụng tiêu chuẩn mới trong việc trồng và sản xuất dược liệu Atiso từ hơn 3 năm nay. Để có hệ thống quản lý sản xuất tốt, công ty đã được chuyên gia Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn áp dụng chuẩn ISO 22000. Tại khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khâu sản phẩm cuối cùng, hệ thống máy tự động sản xuất theo quy chuẩn được áp dụng. Sản phẩm không phù hợp với kế hoạch sẽ được phân loại và xử lý ngay, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu và năng suất lao động tăng khoảng 15% so với trước.
Việt Nam có tới gần 4.000 loài thực vật đang được sử dụng làm thuốc. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, cả nước sẽ có 8 vùng quy hoạch trồng dược liệu tập trung gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ đáp ứng được 60% nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Do vậy, việc ứng dụng hệ thống quản lý sản xuất dược liệu an toàn từ vùng trồng đến quá trình sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường là điều rất cần thiết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!