Ban đầu chỉ vài ba hộ dân tham gia trồng dược liệu; sau nhờ hiệu quả kinh tế thấy rõ, mô hình kinh tế này đã thu hút đông đảo người dân theo trồng. Chỉ riêng 3 xã Đắk Na, Măng Ry, Văn Xuôi của huyện Tu Mơ Rông đã có trên 200 hộ dân tham gia. Hồng Đẳng Sâm, Sâm Đương Quy, cho đến Sâm dây, Ba kích là những cây dược liệu được cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây.
Với thế mạnh đất đai rộng lớn, trồng dược liệu chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao, nhất là đầu ra ổn định, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đang khuyến khích người dân sản xuất, xem như là cây xóa nghèo.
Cái khó duy nhất hiện nay với mô hình trồng cây dược liệu là nguồn giống sâm bản địa. Trước sự phát triển nhanh về diện tích, khả năng cạn kiệt nguồn giống đã được tỉnh Kon Tum tính đến và huyện Tu Mơ Rông được chọn làm địa phương xây dựng đề án giữ gìn nguồn gen và chuyên sản xuất giống phục vụ nhu cầu sản xuất cho 2.500 hec ta cây trồng dược liệu vùng Bắc Tây Nguyên theo đề án Chính phủ phê duyệt.