Tiềm năng xuất khẩu hoa hồi Việt Nam
Theo thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, hoa hồi được đánh giá là một trong những loại nông sản có giá trị cao, được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều thị trường quốc tế.
Nhờ vào hương thơm đặc trưng và những công dụng phong phú trong ngành thực phẩm, dược phẩm và công nghiệp mỹ phẩm, đến nay hoa hồi Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường thế giới.
Hoa hồi của Việt Nam được tiêu thụ mạnh tại nhiều khu vực Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh, Trung Đông, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia thuộc EU. Trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc được coi là hai thị trường xuất khẩu chính của hoa hồi Việt Nam, chiếm lần lượt 50% và 25%.
Với hoa hồi, Việt Nam là nhà cung cấp tiềm năng cho thị trường gia vị và hương liệu thế giới - trị giá đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD vào năm 2026.
Hoa hồi được đánh giá là một trong những loại nông sản có giá trị cao, được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều thị trường quốc tế.
Mở rộng diện tích hồi hữu cơ
Theo Hiệp hội gia vị thế giới, hồi là cây gia vị quý hiếm, hầu như chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc, mỗi năm chỉ thu hoạch được 2 vụ. Ở Việt Nam, cây hồi được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng… đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong đó, Lạng Sơn được mệnh danh "thủ phủ" của cây hồi của nước ta với hơn 43.000 ha trồng hồi, chiếm 70% diện tích cả nước. Hiện nay, việc mở rộng diện tích trồng hồi hữu cơ đang là hướng đi của địa phương này.
Vườn hồi nhà chị Lý Thị Hiên rộng hơn 4ha tại thôn Lũng Mắt, xã Gia Lộc được trồng cách đây đã 20 năm, tuy nhiên với tập quán canh tác truyền thống, không đầu tư chăm sóc, dẫn đến tình trạng cây hồi suy yếu, cho năng suất thấp.
Lạng Sơn được mệnh danh "thủ phủ" của cây hồi của nước ta với hơn 43.000 ha trồng hồi, chiếm 70% diện tích cả nước.
Bắt đầu từ 4 năm nay, huyện Chi Lăng triển khai thực hiện mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ tại một số xã trên địa bàn, gia đình chị tham gia và được chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc cây hồi hữu cơ đã nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Năm 2019, giá hồi tươi đạt hơn 20.000 đồng/1 kg, hiện nay đã lên khoảng 30.000 đồng/1kg.
Việc phát triển rừng hồi theo hướng hữu cơ thuận lợi nhất là dựa trên diện tích tự nhiên sẵn có. Những cây hồi già không cho năng suất sẽ được chặt bỏ thay bằng những cây hồi trồng mới, khoảng cách các cây cũng được bố trí hợp lý đảm bảo cây có đủ không gian, ánh sáng sinh trưởng, phát triển tốt nhất.
Hiện đang vào mùa thu hoạch hồi với hơn 28.000 ha đang cho thu hoạch ổn định, mang lại giá trị ước đạt 1.700 tỷ đồng/năm. Khi áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ, năng suất hồi tăng hơn 20 - 30% quả có mẫu mã đẹp, góp phần tăng chất lượng và giá trị kinh tế sản phẩm hồi.
Đa dạng sản phẩm chế biến từ hoa hồi
Trong những năm gần đây, ngành xuất khẩu hoa hồi đã có nhiều bước phát triển đáng kể. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến từ hoa hồi cũng đã góp phần làm gia tăng giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm như tinh dầu hoa hồi, chiết xuất hoa hồi và các sản phẩm mỹ phẩm từ hoa hồi đang ngày càng được ưa chuộng và có nhu cầu cao trên thị trường quốc tế.
Sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ không những giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu chế biến và xuất khẩu. Hồi tươi sau khi thu hoạch được đem phơi khô hoặc sấy và chiết xuất tinh dầu, tạo thành các sản phẩm chế biến sâu, đem lại giá trị kinh tế cao, sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: dược liệu, hương liệu, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ thị trường tiêu thụ rộng.
Thậm chí những phụ phẩm từ cây hồi như lá, cành… cũng được tận dụng để làm túi thơm, gối, hương, các sản phẩm thảo lược trị liệu…
Trong những năm gần đây, ngành xuất khẩu hoa hồi đã có nhiều bước phát triển đáng kể.
Để có nguồn nguyên liệu hồi chất lượng cao phục vụ chế biến sâu, nhiều công ty đã xây dựng vùng trồng và ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm hồi hữu cơ cho bà con, cũng như đầu tư máy móc sơ chế hoa hồi khô và chiết xuất tinh dầu hồi.
Hiện nay, sản phẩm hồi Lạng Sơn đã có mặt tại nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Đức... Ngoài xuất khẩu trực tiếp cho các đối tác nước ngoài, sản phẩm hồi Lạng Sơn còn được quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ trên các sản thương mại quốc tế như Alibaba, Amazon.
Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm trên thế giới… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, điều này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi và tạo động lực cho sản phẩm hồi Việt Nam phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!