Hoạt động sản xuất của Việt Nam tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp

Diệu Linh-Thứ sáu, ngày 04/03/2022 16:10 GMT+7

VTV.vn - Hoạt động sản xuất và dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp. Điều này thể hiện qua chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI, một chỉ số đo lường sản xuất.

Trong quý 1 năm nay, chỉ số PMI đạt 54,3 điểm, cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Như vậy, sản xuất Việt Nam đang trên đà phục hồi tích cực.

Dệt may là một trong những ngành nghề chứng kiến sự phục hồi rõ rệt kể từ khi quay trở lại sản xuất sau gián đoạn vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn đặt hàng đến hết quý 3.

"Chúng tôi đã nhận các đơn hàng quý 1 năm nay từ cách đây 6 tháng. Năm 2022, hàng hóa đã được khách hàng cam kết mua đến hết năm. Tỷ lệ tăng trưởng cũng ấn tượng, ví dụ trong khối may gia công tăng 10 - 15%, khối kinh doanh thậm chí tăng 40%", ông Phan Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Pro Sports, cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm nay, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 42,6 nghìn doanh nghiệp, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều doanh nghiệp cũng lên kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất và phát triển khả năng cung cấp hàng hóa ra thị trường.

Hoạt động sản xuất của Việt Nam tăng trưởng tháng thứ 4 liên tiếp - Ảnh 1.

Dệt may là một trong những ngành nghề chứng kiến sự phục hồi rõ rệt kể từ khi quay trở lại sản xuất sau gián đoạn vì dịch bệnh. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi đang tiến hành xây dựng 2 nhà máy nữa. Một nhà máy ở Lào Cai và một nhà máy ở Lạng Sơn. Thêm nữa chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cả kênh bán hàng B2B và B2C. Hiện chúng tôi đã bán hàng trên Amazon, sắp tới sẽ mở rộng thêm ở những trang thương mại điện tử khác trên thế giới", bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Quế hồi Việt Nam VINA SAMEX, chia sẻ.

"Năm 2022 này, kế hoạch sắp tới của chúng tôi là tăng thị phần để xuất sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2021, chúng tôi đã xuất khẩu được 500.000 USD. Năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu được 1,5 triệu USD", ông Chu Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu, cho hay.

Cùng với nỗ lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã giúp chỉ số PMI khởi sắc trong tháng 2, theo các chuyên gia, môi trường đầu tư thuận lợi sẽ tiếp tục là yếu tố giúp chỉ số đo lường sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn.

"Riêng trong 2 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 6 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư nước ngoài đổ vào một quốc gia tương đối lớn trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới vẫn chưa phục hồi như trước đây. Điều này có nghĩa môi trường đầu tư của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là thuận lợi", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp cần lưu ý đến việc tăng giá của xăng dầu vì trong ngắn hạn có thể chưa tác động ngay đến một số ngành nghề đã đàm phán giá cả từ trước. Tuy nhiên lô hàng sản xuất vào quý 2, quý 3 có thể sẽ chịu tác động vì giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguyên liệu và vận chuyển. Do vậy, các doanh nghiệp cần tìm trước các giải pháp để đảm bảo năng lực sản xuất.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng năm 2022 tăng 5,4% Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng năm 2022 tăng 5,4%

VTV.vn - Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng năm 2022 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước