Cả nước có khoảng 24.000 hộ gia đình sản xuất đồ gỗ, tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập nhưng cũng chỉ mới có khoảng 25% các hộ đăng ký lên doanh nghiệp. Còn lại vẫn là nhỏ lẻ, tự phát, điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập. Vì sao các hộ chưa đăng ký kinh doanh, họ sẽ gặp những khó khăn gì?
Sản xuất đồ gỗ nhiều năm nay tại làng nghề gỗ Đồng Kỵ, ông Huề biết những lợi ích khi lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, lo lắng về đầu ra không ổn định khiến ông chưa dám đi đăng ký kinh doanh.
Còn tại làng nghề đồ gỗ La Xuyên, tỉnh Nam Định có hơn 3.100 hộ sản xuất kinh doanh nhưng mới chỉ có trên 20% hộ lên doanh nghiệp, còn lại nhỏ lẻ. Địa phương có đi vận động nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề hiện nay còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt khi EU thông qua hiệp định FTA với Việt Nam, ngành đồ gỗ sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ngoài việc ngại lên doanh nghiệp, hiện 100% lao động thuê bởi các hộ trong làng nghề đồ gỗ là hợp đồng miệng. Khoảng 90% các giao dịch giữa các hộ sản xuất và hộ cung cấp gỗ nguyên liệu, giữa hộ bán sản phẩm sau chế biến và người mua thiếu các bằng chứng về tính hợp pháp của gỗ, nên về lâu về dài sẽ gây ra nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!