Giá hàng hóa và lương thực tăng cao thời gian gần đây đã tạo ra làn sóng bất ổn trên toàn cầu, đòi hỏi chính phủ các nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, cuộc chiến vừa chống lạm phát, vừa ngăn ngừa suy thoái vẫn luôn là bài toán nan giải với nhiều quốc gia.
Tình hình còn khó khăn hơn nữa tại châu Âu khi mà các nước khu vực Eurozone vẫn đang lao đao vì nguồn cung khí đốt thắt chặt. Giới chức EU vừa mới đạt được nhất trí cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt trước nguy cơ Nga có thể cắt nguồn cung. Mối lo ngại này đã được thể hiện rõ tại Hungary khi đây là quốc gia châu Âu đầu tiên vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng.
Hết khó khăn này tới khó khăn khác là cảm nhận chung của các doanh nghiệp Hungary. Bà Agnes Garancsi, chủ sở hữu rạp chiếu phim độc lập duy nhất tại thủ đô Budapest cảm nhận điều đó rõ hơn cả khi hóa đơn tiền điện không ngừng tăng lên.
Bà Agnes Garancsi, Chủ rạp phim tại Budapest, Hungary, cho biết: "Các rạp phim vốn đã lỗ nặng vì sự cạnh tranh từ mảng chiếu phim trực tuyến rồi, sau đó chúng tôi lại mất tới 40% khách xem phim vì COVID-19. Bây giờ, chi phí tiền điện lại tăng gấp đôi. Rạp phim sử dụng rất nhiều điện, chúng tôi phải bật máy sưởi vào mùa đông và máy điều hòa nhiệt độ vào mùa hè cho những căn phòng rộng lớn".
Hungary đã áp dụng chính sách giá trần nhiên liệu để kìm hãm lạm phát nhưng giá hàng hóa vẫn cứ leo thang với tỷ lệ lạm phát lõi lên đến 13,8% trong tháng 6/2022, cao nhất trong gần 25 năm. Mặt khác, việc áp giá trần bán ra trong nước, trong khi chi phí nhập khẩu khí đốt tăng đều đặn, đang dẫn đến thâm hụt ngân sách cho chính phủ và thiệt hại cho các công ty năng lượng.
Ông Laszlo Gepesz, Chủ cây xăng tại thị trấn Martonvasar, Hungary, nói: Chúng tôi được yêu cầu chỉ bán nhiên liệu với giá gốc, kết quả là không thu được chút lợi nhuận nào trong khi phải trả bao nhiêu chi phí từ tiền thuế, tiền lương cho nhân viên, chi phí vận hành cây xăng và chi phí đi lại.
Trước nguy cơ giá nhiên liệu còn tăng nữa trong mùa đông, với nguồn cung ngày càng mất ổn định, chính phủ Hungary đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng, theo đó việc xuất khẩu năng lượng bị cấm hoàn toàn, đồng thời thúc ép các công ty gia tăng lượng khai thác khí đốt tự nhiên trong nước từ 1,5 tỷ mét khối/năm lên 2 tỷ mét khối một năm. Nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary cũng sẽ phải tăng công suất phát điện, trong khi nhiều trợ cấp nhiên liệu cho doanh nghiệp bị cắt giảm.
rong khi chờ tình trạng thiếu hụt năng lượng và lạm phát được giải quyết, các chủ doanh nghiệp ở Hungary vẫn đang chiến đấu để tồn tại.
Ông Laszlo Gepesz cho biết thêm: "Hịên tại, chính phủ vẫn đang hỗ trợ một phần nhỏ thiệt hại, nhờ thế chúng tôi vẫn duy trì được hoạt động. Có thể nói hầu hết các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi vẫn đang sống nhờ máy trợ thở".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!