Bất ngờ vì họ cứ nghĩ rằng, đây là những khoản tiền được hưởng ưu đãi từ các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp cổ phần hóa và niêm yết chứng khoán. Trong câu chuyện này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ không hề trốn thuế mà là do rủi ro từ chính sách mang lại.
Công ty cổ phần nhựa Bình Minh là một trong số doanh nghiệp bị truy thuế, số tiền truy thu lên tới 117 tỷ đồng, trong đó 42 tỷ đồng bị phạt do nộp thuế chậm. Công ty này cho rằng, số tiền nộp phạt chậm là phi lý.
Năm 2004, Bình Minh cổ phần hóa. Theo chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp cổ phần hóa, công ty sẽ được miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm tiếp theo. Năm 2006, công ty tiếp tục niêm yết cổ phiếu lần đầu.
Theo chính sách ưu đãi niêm yết, công ty sẽ được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm kể từ năm niêm yết. Như vậy là có hai năm (2006 và 2007), công ty sẽ cùng lúc được hưởng 2 ưu đãi thuế trên. Điều doanh nghiệp băn khoăn là được hưởng song song hay chỉ được hưởng lần lượt từng ưu đãi một. Năm 2006, hỏi Tổng cục thuế thì được hướng dẫn áp dụng song song. Năm 2007, Cục thuế TP.HCM hướng dẫn chỉ được hưởng lần lượt từng ưu đãi, tức năm 2008 hết ưu đãi cổ phần hóa, 2009, 2010 sẽ được hưởng tiếp ưu đãi niêm yết.
Thực hiện theo hướng dẫn của Cục thuế TP.HCM, thế nhưng sự thay đổi chính sách thuế liên tục đã khiến doanh nghiệp không ngờ rằng, họ đã không còn được ưu đãi niêm yết năm 2009, 2010 và kết quả là bị truy thu thuế.
Luật sư Trần Xoa, chuyên gia lĩnh vực thuế phân tích: “Năm 2006, Bộ Tài chính thay đổi chính sách, tức hưởng chính sách cổ phần hóa xong rồi, thì mới được hưởng chính sách do doanh nghiệp niêm yết chính sách lần đầu. Đến năm 2010, Tổng cục Thuế lại có hướng dẫn mới, trong 2 chính sách đó thì chính sách nào cao nhất thì được hưởng, còn đến năm 2011 thì Tổng cục Thuế lại có hướng dẫn là nếu năm 2009 mà doanh nghiệp chưa hưởng ưu đãi đối với niêm yết chứng khoán lần đầu thì từ 2009 trở đi sẽ cắt bỏ. Ngay cả ở trong ngành thuế cũng không thể nào theo kịp, còn doanh nghiệp tập trung vào kinh doanh chủ yếu chứ không phải nghiên cứu suốt ngày đọc văn bản”.
Như vậy, hướng dẫn của Cục thuế TP.HCM là không sai, tuy nhiên sự thay đổi chính sách vô tình khiến cho doanh nghiệp đã không nhận được ưu đãi thuế. Nhưng một câu hỏi đặt ra là, năm 2009, cơ quan thuế của thành phố đã thanh tra gì và vì sao không phát hiện ra doanh nghiệp chưa bắt kịp quy định mới để kịp thời hướng dẫn mà đến nay mới truy thu thuế doanh nghiệp?.
Thông tin bị truy thu thuế được công bố, sau vài ngày, giá cổ phiếu công ty sụt giảm mạnh, bốc hơi vài trăm tỷ đồng và để lại nhiều hậu quả khác cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Kim Yến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho biết: “Ảnh hưởng thứ nhất là dòng tiền của chúng tôi. Vào thời điểm cuối năm, Bình Minh đang đứng trước rất nhiều các vấn đề phải sử dụng dòng tiền của mình: cổ tức của cổ đông, chăm lo cho người lao động, giải ngân các khoản đầu tư”.
Không chỉ Nhựa Bình Minh, sự việc tương tự còn xảy ra với Công ty cổ phần nước giải khát Chương Dương hay công ty cổ phần Kim khí TP.HCM.
Câu chuyện trên đây chỉ là một trong số những rủi ro từ thay đổi chính sách thuế và bất cập trong hướng dẫn luật mang lại cho doanh nghiệp. Cách đây không lâu, Cục thuế TP.HCM hướng dẫn doanh nghiệp là phải gạch chéo trong hóa đơn đỏ in bằng máy vi tính, còn Cục thuế Bình Dương thì lại hướng dẫn không phải gạch. Sự bất nhất trong hướng dẫn giữa 2 địa phương đã gây ùn tắc trong quyết toán thuế của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cho rằng, họ đang gặp nhiều cái khó trong sản xuất kinh doanh và kiến nghị rằng: không chỉ chính sách thuế mà nhiều chính sách khác cần có tính ổn định cao, nếu thay đổi thì phải hướng dẫn kịp thời hoặc có tính kế thừa quy định trước làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.