Ảnh minh họa.
Giám đốc điều hành IEA cho biết, việc phối hợp phát hành 60 triệu thùng dầu dự trữ, tương đương 4% vào tuần trước của Mỹ và các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn khác là một "phản ứng ban đầu" và IEA đã sẵn sàng làm "mọi thứ" để giảm sự biến động trên thị trường năng lượng.
Hiện Saudi Arabia và UAE đều có năng lực sản xuất dự phòng hơn bất kỳ nhà sản xuất dầu nào khác nhưng đã từ chối tăng sản lượng. Do vậy IEA cho biết đã thảo luận với các nước sản xuất dầu ở Mỹ Latin và châu Á về việc thúc đẩy việc tăng sản lượng.
IEA sẽ đưa ra các khuyến nghị vào tuần tới về cách thế giới có thể nhanh chóng giảm nhu cầu dầu từ nay đến mùa hè, thời điểm nhu cầu thường tăng.
Ngày 9/3, giá dầu thế giới đã đột ngột giảm mạnh tại thị trường Mỹ, xóa bỏ mức tăng trong tháng này trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn do chiến sự tại Ukraine.
Giá dầu WTI của Mỹ đã giảm 15 USD, tương đương hơn 12%, xuống còn 108,7 USD/thùng, ghi nhận ngày giảm tồi tệ nhất kể từ 26/11 năm ngoái. Đầu tuần này, dầu WTI đã đạt mức 130 USD/thùng trong một thời gian ngắn, lên mức cao nhất 13 năm, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Tương tự, dầu Brent cũng giảm 16,8 USD, tương đương 13%, xuống còn 111,1 USD/thùng, mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 4/2020. Dầu Brent đã đạt mức 139 USD/thùng hôm đầu tuần, mức cao nhất kể từ năm 2008.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!