Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến xung đột tại Ukraine và tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ đối với tiêu dùng.
Báo cáo về Tình hình việc làm trên thế giới của ILO chỉ ra rằng có những dấu hiệu cho thấy xu hướng phục hồi về giờ làm trên toàn cầu trong đầu năm 2022 đã bị đảo ngược trong quý II và quý III. Đầu năm nay, khi thế giới bắt đầu phục hồi từ đỉnh dịch COVID-19, tỷ lệ việc làm trên dân số đã trở về hoặc thậm chí vượt mức trước đại dịch tại những nước phát triển nhất. Tuy nhiên, số giờ làm trong quý III đã giảm 1,5 giờ so với mức trước khi dịch bệnh bùng phát. Ước tính số việc làm toàn thời gian trong quý III năm nay đã giảm 40 triệu việc làm so với quý IV/2019. ILO cho rằng việc số giờ làm có xu hướng giảm vào giữa năm 2022 là do việc tái áp đặt các biện pháp chống dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, tình trạng gián đoạn xuất khẩu năng lượng và thực phẩm dẫn đến lạm phát leo thang.
Trong bối cảnh khủng hoảng an ninh năng lượng và lương thực, lạm phát tăng vọt, việc siết chặt chính sách tiền tệ và nỗi lo ngại về nguy cơ suy thoái khiến cả tăng trưởng và chất lượng việc làm đều đi xuống. Theo báo cáo, việc siết chặt chính sách quá mức có thể gây tổn hại đến việc làm và thu nhập ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Thông thường sẽ phải mất một khoảng thời gian để trình trạng suy giảm hoặc suy thoái kinh tế tác động đến việc làm và xu hướng thất nghiệp, song các số liệu hiện nay đã phản ánh những diễn biến tiêu cực trên thị trường lao động. Bên cạnh đó, ILO cũng cảnh báo về nguy cơ giảm nhu cầu tuyển dụng và gia tăng thất nghiệp trong những tháng cuối năm. Hiện có những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt đáng kể tại các nền kinh tế phát triển, khi tăng trưởng việc làm giảm mạnh.
Phát biểu tại họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc ILO Gilbert Houngbo đã kêu gọi thực hiện loạt chính sách nhằm hỗ trợ những người dân và doanh nghiệp dễ tổn thương nhất, bao gồm việc sử dụng lợi nhuận "khổng lồ" của các tập đoàn cho việc hỗ trợ việc làm và thu nhập. Ông Houngbo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các gói chính sách xã hội và đảm bảo việc siết chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát phù hợp với các biện pháp xã hội. Theo Tổng Giám đốc ILO, việc ngăn ngừa thị trường lao động toàn cầu suy giảm mạnh sẽ đòi hỏi các chính sách toàn diện, hội nhập và cân bằng ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!