Ngày 18/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi các ngân hàng trung ương châu Á tập trung vào lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết sách phụ thuộc quá mức vào các động thái được dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Kỳ vọng giảm dần về việc Fed cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn đã làm đồng USD tăng giá và một số loại tiền tệ châu Á như đồng yen của Nhật Bản và đồng won của Hàn Quốc giảm giá.
Phân tích của ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Vụ châu Á-Thái Bình Dương của IMF, cho thấy, lãi suất của Mỹ có tác động "mạnh mẽ và ngay lập tức" đến điều kiện tài chính và tỷ giá hối đoái ở châu Á. Ông nói: "Kỳ vọng về việc nới lỏng chính sách lãi suất của Fed đã dao động trong những tháng gần đây, do các yếu tố không liên quan đến nhu cầu ổn định giá cả ở châu Á. Chúng tôi khuyến nghị các ngân hàng trung ương châu Á tập trung vào lạm phát trong nước và tránh đưa ra các quyết định chính sách phụ thuộc quá mức vào các động thái được dự đoán của Fed". Ông Srinivasan lưu ý, nếu các ngân hàng trung ương theo sát Fed quá chặt chẽ, họ có thể làm suy yếu sự ổn định giá cả ở nước họ.
Nhận xét này nhấn mạnh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà một số ngân hàng trung ương châu Á phải đối mặt khi những biến động gần đây của thị trường tiền tệ do Fed thúc đẩy đã làm phức tạp thêm lộ trình chính sách của họ.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) Rhee Chang-yong phát biểu trong một cuộc hội thảo riêng của IMF hôm 17/4 rằng cơ hội cắt giảm lãi suất của Fed ngày càng mờ nhạt đã gây ra những trở ngại cho đồng won và làm phức tạp thêm quyết định của BoK về thời điểm bắt đầu giảm chi phí đi vay.
Kỳ vọng giảm dần về việc Fed cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn đã làm đồng USD tăng giá và một số loại tiền tệ châu Á như đồng yen của Nhật Bản và đồng won của Hàn Quốc giảm giá
Trong một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương châu Á sẽ không có nhiều thời gian "nghỉ ngơi" trước đà tăng giá của đồng USD, Chủ tịch Fed bang New York John Williams ngày 18/4 cho biết, sự vững mạnh của nền kinh tế Mỹ có nghĩa là không có trường hợp khẩn cấp nào cho kế hoạch cắt giảm lãi suất diễn ra sớm.
Ông Srinivasan, người có bài phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới ở Washington, cho biết nhiều nước châu Á đã chứng kiến đồng nội tệ mất giá so với đồng USD, phản ánh sự chênh lệch lãi suất với Mỹ. Ông cho biết sự sụt giảm gần đây của đồng yen, mặc dù "khá đáng kể", cũng phản ánh sự khác biệt giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản. Ông nói: "Khi đối mặt với biến động đó, các ngân hàng trung ương nên tập trung vào các nguyên tắc cơ bản, chẳng hạn như lạm phát trong nước.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới được công bố đầu tuần này, IMF kỳ vọng kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, giảm so với mức 5,0% của năm ngoái, nhưng điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2023. IMF dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 4,3% vào năm 2025.
Ông Srinivasan cho biết, triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc rất quan trọng đối với châu Á, khi tình trạng kinh tế đình trệ kéo dài hơn ở Trung Quốc- nền kinh tế lớn thứ hai thế giới- là một trong những rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng của khu vực. Ông nói: "Mặc dù việc tăng chi tiêu chính phủ có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng các chính sách tăng cường năng lực cung ứng của nước này sẽ củng cố áp lực giảm phát và có thể gây ra những tác động khác".
Ông cho biết thêm, trong số những rủi ro đối với châu Á là các biện pháp hạn chế thương mại được áp dụng với tốc độ nhanh chóng. Ông Srinivasan nói: "Rất ít khu vực được hưởng lợi nhiều từ hội nhập thương mại như châu Á. Do đó, sự phân mảnh địa kinh tế tiếp tục là một rủi ro lớn".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!