Ảnh minh họa (Nguồn: Reuters).
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, CEO của Infineon, ông Reinhard Ploss, cho rằng thời điểm kết thúc tình trạng thiếu hụt chip không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu, mà còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ gia tăng năng lực sản xuất.
Ông Ploss cho biết quá trình xây dựng các nhà máy và cơ sở sản xuất chip mới có thể mất đến hai năm rưỡi và thậm chí việc nâng cấp các nhà máy hiện tại cũng phải mất đến một năm. Ông dự đoán: "Ở những nơi mà chúng tôi phải chờ cơ sở sản xuất bán dẫn mới, tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài sang năm 2023".
CEO của Infineon ước tính năng lực sản xuất hiện tại vẫn thấp hơn 20% so với nhu cầu chip của lĩnh vực điện thoại di động, và thấp hơn khoảng 10% trong các lĩnh vực khác. Sự tăng mạnh trong nhu cầu đối với các mặt hàng điện tử gia dụng trong thời kỳ phong tỏa do dịch COVID-19, cộng với tình trạng đóng cửa hiện tại của các nhà máy, đã đặt áp lực lên nguồn cung. Bên cạnh đó, sự chuyển dịch của các nhà sản xuất ô tô sang các loại xe điện cũng khiến nhu cầu chip tăng mạnh.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện IFO của Munich, gần 2/3 số công ty công nghiệp ở Đức cho biết họ đang thiếu nguồn cung bán dẫn. Theo các tờ Stuttgarter Nachrichten và Stuttgarter Zeitung, tình trạng thiếu hụt này sẽ buộc "gã khổng lồ" trong ngành sản xuất ô tô Daimler phải giảm giờ làm của công nhân ở một số nhà máy vào tuần tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!