Tại buổi Roadshow, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chia sẻ một số điểm nổi bật của đợt chào bán. Nếu chỉ có 1 tổ chức tham gia đấu giá, tổ chức đó sẽ giao dịch thỏa thuận với SCIC (khác với quy chế cũ cần tối thiểu 2 tổ chức tham gia mới được tiến hành chào bán).
Khác với đợt chào bán VNM, các tổ chức có thể đặt cọc bằng ngoại tệ thì ở đợt chào bán Vinaconex, họ chỉ được đặt cọc bằng Việt Nam đồng.
Thêm vào đó, từ khi đặt cọc đến khi đấu giá chính thức, nhà đầu tư có quyền hủy và nhận lại tiền đặt cọc nếu thấy thị giá VCG biến động quá cao, giá khởi điểm bị đẩy lên.
Theo dự kiến, ngày 28/11 SCIC công bố giá khởi điểm, quy chế và nhận đặt cọc. Ngày 8/12 sẽ tổ chức chào bán công khai. Ngoài Vinaconex, 4 công ty khác nữa cũng được thoái vốn ngay trong tháng 12/2017 là Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Domesco và FPT. Với thông tin thoái vốn, giá của 4 cổ phiếu này cũng đã tăng từ 9 đến gần 20%.
Tuy nhiên, có lẽ được xem là hiệu quả nhất trên thị trường, tính tới thời điểm này phải kể đến thương vụ đã thoái vốn gần đây nhất của Vinamilk, khi giá cổ phiếu VNM đã tăng đến 24% ngay trong ngày đấu giá. Điều này đã đem lại lợi ích cho tất cả các bên hay trong các giao dịch vẫn thường gọi là win-win. Nhà nước thu được 9.000 tỷ đồng. Đến nay, cổ đông hiện hữu hưởng lợi giá tăng 16,4%.
Theo các chuyên gia, trong tương lai nếu VNM phát hành tăng vốn hay phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên cũng đều được hưởng lợi do giá mà Tập đoàn Singapore Jardinr Cycle & Carriage đang nắm giữ hơn 3,33% còn cao hơn giá VNM trên thị trường.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!