Khó khăn thị trường xuất nhập khẩu - DN nội phải tự cứu mình

Hữu Bằng-Thứ sáu, ngày 04/07/2014 08:00 GMT+7

Những khó khăn tiềm tàng về thị trường xuất nhập khẩu cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tự đổi mới, nâng cao chất lượng hàng hóa và chấp nhận sự cạnh tranh để phát triển.

Bên cạnh tầm nhìn và chỉ đạo của Chính phủ cho một nền kinh tế tự chủ, các ngành hàng và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nhất là hàng xuất nhập khẩu, đã có quá trình chuẩn bị từ lâu cho những bất ổn có thể xảy ra về thị trường. Chính những khó khăn, thách thức xuất hiện lại tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, đa dạng hóa thị trường nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định nào đó.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 3/7 tại Hà Nội.

‘ Ngành dệt may đã duy trì chiến lược tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, Việt Nam luôn nỗ lực phát triển mối quan hệ này với Trung Quốc. Tuy nhiên trong trường hợp nếu có xảy ra những khó khăn về thị trường này, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn luôn tự chủ.

Nguyên liệu ngành dệt may là một trong những chủ đề nóng tại Hội thảo khi ngành này nhập tới 37% phụ liệu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ lâu ngành dệt may đã có sự chuẩn bị khi tỷ lệ nội địa hóa tăng nhanh, từ 2005-2013 đã tăng gần gấp 3 lần (từ 18 lên gần 49%).

Theo bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: “Ngành dệt may đã duy trì chiến lược làm thế nào để tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng cách kêu gọi đầu tư trong nước và nước ngoài”.

Những khó khăn tiềm tàng về thị trường xuất nhập khẩu cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tự đổi mới, nâng cao chất lượng hàng hóa và chấp nhận sự cạnh tranh để phát triển. Bên cạnh đó, việc tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đang đàm phán cũng sẽ giúp nền kinh tế nâng cao tính cạnh tranh và giảm thiểu nguy cơ mất tự chủ.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: “Các Hiệp định FTA Việt Nam - EU, TPP sẽ giúp Việt Nam hai việc lớn: một là thâm nhập các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, vì vậy nó có thể cân bằng được vấn đề xuất khẩu. Điều thứ hai là nó giúp cho các ngành sản xuất Việt Nam gia tăng nhiều hơn nữa về giá trị công nghệ, hàm lượng chất xám cao hơn và vấn đề quản trị doanh nghiệp sẽ tốt hơn”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước