Gần 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào lại sụt giảm thị trường đầu ra. Tuy nhiên, khi Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhiều ngành sản xuất đã bắt đầu quay trở lại.
Vậy làm thế nào để kinh tế có thể phục hồi trở lại như trước, làm thế nào để giữ được mục tiêu tăng trưởng của năm nay khi giờ đã là ở giữa Quý II? Đây là vấn đề quan trọng được Chính phủ và các bộ ngành đau đầu suy nghĩ.
Hội nghị trực tuyến quan trọng của Thủ tướng với các doanh nghiệp trên cả nước là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ và đề xuất những sáng kiến góp phần giúp Chính phủ và Thủ tướng đưa ra quyết sách phù hợp, những chiến lược then chốt để thúc đẩy kinh tế trong giai đoạn mới sau đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp chủ động khôi phục sản xuất sau COVID-19
* Ngành du lịch và hàng không
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và hàng không đang liên kết với nhau để tung ra các gói sản phẩm kích cầu. Ví như khách chỉ cần trả số tiền ít hơn mà vẫn có thể được sử dụng nhiều dịch vụ từ các bên.
Ngoài phối hơp với ngành du lịch, các công ty hàng không cũng lên kế hoạch phục hồi lại ngay 75% đường bay trong nước và đến đầu tháng tới là 100%.
* Ngành đồ uống
Dịch COVID-19 cùng Nghị định 100 đã khiến doanh thu của các công ty rượu bia bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều nhà máy đóng cửa dừng sản xuất vài tháng nay. Để phục hồi việc sản xuất, 1 doanh nghiệp đã sáng kiến tập trung vào ra mắt sản phẩm mới là nước giải khát từ hoa quả và đã được thị trường đón nhận.
* Ngành vật liệu xây dựng
Dịch COVID-9 đã khiến việc xuất khẩu của nhiều loại vật liệu xây dựng bị gián đoạn. Thay vào đó, không ít doanh nghiệp đã chủ động quay lại chinh phục thị trường nội địa.
* Ngành ô tô
Từ đầu tháng 5/2020, hầu hết các hãng ô tô đã nối lại hoạt động. Đại diện tập đoàn Thành Công cho biết, công suất nhà máy đã được khôi phục hoàn toàn. Để kích cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp buộc phải chủ động giảm giá sản phẩm.
* Ngành gỗ
Hiện nay, ngành gỗ có tới 80% doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng xuất khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp đề xuất được giảm chi phí bảo hiểm xã hội để thêm động lực hồi phục sau dịch.
* Ngành bất động sản
Ngành BĐS cũng bị tác động bởi dịch COVID-19. Mọi giao dịch ở tất cả các phân khúc thị trường gần như "đóng băng" nên cũng rất cần chính sách hỗ trợ về tài chính cho cả doanh nghiệp và người mua nhà.
Những kiến nghị nhằm khôi phục nền kinh tế sau COVID-19
Từ những doanh nghiệp lớn có quy mô nghìn tỷ đồng cho đến doanh nghiệp nhỏ đều đang cố gắng phục hồi lại. Đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế nhưng cũng là dịp để các doanh nghiệp tái cơ cấu, tìm tòi các phương thức sản xuất mới. Doanh nghiệp nào nhanh nhạy, thay đổi để thích nghi sẽ là người bứt phá sau đại dịch.
Ngoài sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, không thể không có sự hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Sự hỗ trợ này được coi là bệ đỡ để các doanh nghiệp có thêm nguồn năng lượng mới đứng dậy vững vàng hơn.
Doanh nghiệp thì cần vốn, nhưng lại không đáp ứng được các chỉ tiêu để ngân hàng giải ngân. Do vậy, để doanh nghiệp và ngân hàng dễ dàng gặp nhau hơn, doanh nghiệp cần được bảo lãnh.
Ngoài việc vay vốn, theo nhiều chuyên gia, cái doanh nghiệp cần tiếp theo đó là sự cải cách thông thoáng về thể chế, thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ về việc hoãn, giãn nộp thuế. Bởi hiện vẫn có hơn 1.000 DN vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ này.
Một vấn đề quan trọng khác được nhiều chuyên gia nhấn mạnh là tất cả các sáng kiến, giải pháp trên chỉ thực sự có hiệu quả khi được hỗ trợ một cách kịp thời, đúng lúc. Bởi chỉ cần chậm thêm 1 ngày, cơ hội phục hồi nền kinh tế cũng sẽ chậm đi 1 bước.
Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc sẽ diễn ra vào lúc 8h ngày 9/5 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất các sáng kiến, giải pháp phục hồi sản xuất, hỗ trợ lẫn nhau, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác chống dịch, lẫn thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!