Phương thức kinh doanh mới hậu COVID- 19: Giải pháp từ người trong cuộc

V-Startup-Thứ sáu, ngày 08/05/2020 17:35 GMT+7

VTV.vn - Khủng hoảng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nhận ra bản chất của sự thay đổi, tạo nên những mô hình mới, thích nghi và đáp ứng những yêu cầu mới của người tiêu dùng.

Cơn bão COVID-19 càn quét nền kinh tế

Dịch COVID-19 là một hiện tượng “Thiên Nga Đen” với nền kinh tế thế giới. Với mức độ lây lan khủng khiếp và những tác hại khôn lường, hàng loạt các nền kinh tế lớn trên thế giới đang căng mình chống lại những tác động của COVID-19 đến người dân và nền kinh tế.

Trong cõi niết bàn của thị trường tự do tốt nhì (second-best), mỗi người chúng ta sẽ nhận ra rằng bất cứ lúc nào nền kinh tế có thể ngừng hoạt động trong vài tháng, và mỗi chúng ta - hay mỗi doanh nghiệp - có đủ tiền tiết kiệm để tồn tại, giả sử, trong sáu tháng chi trả các chi phí mà không có thu nhập. Tiết kiệm phòng ngừa rủi ro sẽ giải quyết vấn đề. Mặc dù nhiều nhà kinh tế đã tính toán một mức "tiết kiệm thặng dư", nhưng sự dư thừa đó không phổ biến và nhiều người tiêu dùng có thu nhập chỉ vừa đủ sống qua ngày và các doanh nghiệp có đòn bẩy cao lại ở khắp nơi.

Phương thức kinh doanh mới hậu COVID- 19: Giải pháp từ người trong cuộc - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thy Nga – Founder V-Startup Việt Nam và anh Nguyễn Xuân Đông- cofounder Ecomobi chia sẻ tại chuỗi Start&Up hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thị trường

Cập nhật tình hình thị trường, Anh Nguyễn Xuân Đông - Người đồng sáng lập và Giám Đốc Ecomobi chia sẻ: “Trong suốt thời gian từ đầu mùa dịch, tôi có cơ hội trao đổi với hơn một trăm các doanh nghiệp là đối tác, khách hàng, nhà cung cấp của Ecomobi. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian quan sát và nghiên cứu những chiến lược kinh doanh và marketing của rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian cách ly. Có thể nói, những giải pháp của các doanh nghiệp chúng tôi quan sát và tiếp cận được đều rất quyết liệt, tuy mức độ khác nhau đối với từng ngành và từng thị trường nhưng những hành động đó phần nào đã tác động và giảm thiểu những thiệt hại của doanh nghiệp trước “cơn bão” COVID-19.

Ở Việt Nam, ngay từ khi bệnh nhân số 17 xuất hiện, chính phủ đã có những hành động rất quyết liệt để đảm bảo giảm thiểu tốc độ lây lan và những ảnh hưởng của COVID-19. Trong suốt giai đoạn từ đầu tháng 3 đến nay, đặc biệt sau khi có quyết định cách ly xã hội trên toàn quốc đến thời điểm hiện tại, rất nhiều các doanh nghiệp kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn và đối diện với rất nhiều thách thức trong việc duy trì và giữ tốc độ phát triển.”

Bà Nguyễn Thy Nga - Giám đốc V-Startup cho rằng doanh nghiệp cần một kế hoạch cho cuộc khủng hoảng tài chính do đại dịch gây ra một cách chi tiết, giúp giải quyết sớm các vụ phá sản và vỡ nợ nếu có thể mà không gây ra cuộc khủng hoảng hạ nguồn. “Không có bảo hiểm cho dịch bệnh. Không bảo hiểm cho Startup công nghệ thực thụ - những cỗ máy đang đốt tiền trên từng giây.”

Tiếp thị và marketing hậu COVID – 19: Góc nhìn từ người trong cuộc

Chia sẻ từ anh Nguyễn Xuân Đông: “Trong suốt thời gian từ đầu mùa dịch, tôi có cơ hội trao đổi với hơn một trăm các doanh nghiệp là đối tác, khách hàng, nhà cung cấp. Chúng tôi cũng dành nhiều thời gian quan sát và nghiên cứu những chiến lược kinh doanh và marketing của rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian cách ly. Có thể nói, những giải pháp của các doanh nghiệp chúng tôi quan sát và tiếp cận được đều rất quyết liệt, tuy mức độ khác nhau đối với từng ngành và từng thị trường nhưng những hành động đó phần nào đã tác động và giảm thiểu những thiệt hại của doanh nghiệp trước “cơn bão” COVID-19".

Phương thức kinh doanh mới hậu COVID- 19: Giải pháp từ người trong cuộc - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Xuân Đông đồng sáng lập, Giám đốc kinh doanh Công ty Ecomobi.

Nói về những mô hình kinh doanh, anh Đông cho biết: “Một số cái tên nổi bật với những thay đổi kịp thời về mô hình kinh doanh và marketing có thể kể đến Bamboo, Vietjetair trong lĩnh vực hàng không từ việc bán vé theo lượt bay đã chuyển thành bán gói một lần bay không giới hạn. Golden Gate vì phải đóng cửa các cửa hàng của mình đã chuyển sang mô hình bán online, giao tận nhà theo thực đơn, điều mà trước đây chưa từng có. Hay như 30Shines - chuỗi cửa hàng cắt tóc Nam trên toàn quốc đã tung ra gói trả trước với nhiều ưu đãi với người dùng. Hay như chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động vẫn mở bán nhưng tuân thủ nghiêm ngặt việc giãn cách và số lượng nhân viên và khách hàng tối đa không quá 10 người trong cửa hàng. Còn hàng trăm các ví dụ khác về sự thay đổi và thích ứng của doanh nghiệp trong mùa dịch.

Không chỉ có vậy, tại thời điểm khi người dân không được ra đường, phương tiện giải trí và làm việc chủ yếu là trên máy tính, điện thoại, các nhãn hàng đã có nhiều sự điều chỉnh trong kế hoạch marketing. Theo quan sát của chúng tôi, các nhãn hàng đã có sự điều chỉnh về thông điệp quảng cáo và kênh media sử dụng trong mùa dịch.

Lưu lượng truy cập vào các website thương mại điện tử tăng từ 15-30% so với thời điểm trước dịch. Các nhãn hàng đã có những điều chỉnh về ngân sách và độ phủ trên các kênh ngoài trời (OOH), số lượng các biển quảng cáo và các chiến dịch quảng cáo ngoài trời giảm đi đáng kể. Những khu đất vàng cho quảng cáo ngoài trời tại TP Hồ Chí Minh như Ngã Sáu Phù Đổng hay dọc tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, những bảng tấm lớn không còn liên tục xuất hiện những thương hiệu mới và những thông điệp mới trong giai đoạn vừa rồi. Thay vào đó, truyền thông trên nền tảng kỹ thuật số, kết hợp việc kích cầu mua sắm và trách nhiệm xã hội được các doanh nghiệp triển khai một cách rầm rộ. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo rất nhiều thông điệp và chiến dịch của các nhãn hàng được triển khai. Ngoài việc giảm giá sản phẩm, kích thích tiêu dùng, nhãn hàng còn tặng thêm khẩu trang, nước rửa tay hay sử dụng một phần lợi nhuận bán hàng để ủng hộ cho Chính Phủ trong việc phòng chống dịch. Điều này đã phần nào kích thích và giữ chân người dùng trong thời điểm làm tại nhà.

Ở một khía cạnh khác, nhãn hàng cũng “tranh thủ” dùng các công cụ trực tuyến để giao tiếp và tương tác với người dùng thông qua các livestreaming video, các hội thảo trực tuyến. Với các trường, và các trung tâm giáo dục, hình thức này được ưu thích và thực hiện thường xuyên. Nhờ công nghệ, phần nào những khó khăn trong việc cách ly được giải quyết.

Theo dự báo, xu hướng học tập online và tương tác Online sẽ là một thay đổi rất lớn trong thời gian sắp tới. Ngành FMCG cũng có những điều chỉnh và thích ứng trong thời gian vừa qua. Mua sắm trực tuyến hàng tươi sống, rau xanh, thịt cá, nhu yếu phẩm tại siêu thị và giao tận nhà tăng trưởng mạnh. Một số các chuỗi siêu thị lớn như Lotte Mart, Coop Mart, Bách Hoá Xanh, BigC v.v.. với mô hình đi siêu thị hộ đã thắng lớn trong giai đoạn vừa rồi. Doanh số không bị sụt giảm mà thậm chí giá trị đơn hàng và số lượng đơn hàng còn tăng lên. Với tâm lý dự trữ và tiêu dùng tại nhà nhiều hơn, khách hàng cũng mua sắm mạnh tay hơn với những sản phẩm thiết yếu này.

Một số dự báo trong thời gian tới về hành vi tiêu dùng và ảnh hưởng đến chiến lược marketing của doanh nghiệp. Trong những dự báo của hầu hết các tổ chức tư vấn và các chuyên gia, cũng như quan sát sự thay đổi hành vi của người dùng qua những báo cáo lưu lượng truy cập trực tuyến trong giai đoạn vừa rồi có thể thấy, lượng truy cập vào các nền tảng trực tuyến của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng. Covid-19 và giai đoạn cách ly xã hội như một cuộc “tổng diễn tập” lớn để cho nhãn hàng dọn kệ bày hàng lên internet và khai thác sức mạnh của thương mại điện tử.

Anh Đông chia sẻ thêm: “Đây thực sự là một cơ hội lớn cho các công ty trong lĩnh vực thương mại điện tử và những công ty có sự chuẩn bị sớm cho nền tảng kinh doanh trên internet. Trong một chương trình trước đây chúng tôi đã kết hợp với chuỗi chương trình V-startup năm 2019, chúng tôi cũng đã có những dự báo về việc thay đổi hành vi người dùng nhờ sự phổ biến của 4G và điện thoại thông minh, cũng như những tiến bộ của kỹ thuật quảng cáo trên internet. Tuy nhiên với những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh thời kì dịch bệnh, việc chuyển hướng lên Online sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Đây có thể sẽ là một cuộc sàng lọc lớn cho những doanh nghiệp không kịp thích nghi, yếu về nền tảng kỹ thuật và chưa có những đầu tư thích đáng cho thương mại điện tử".

Có thể nói, COVID-19 như một cơn lũ lớn cuốn qua đã lấy đi rất nhiều thành quả của nền kinh tế và nỗ lực xây dựng thương hiệu của rất nhiều thương hiệu lớn trong nhiều năm. Tuy nhiên khủng hoảng cũng sẽ là cơ hội để cho các doanh nghiệp sớm nhận ra bản chất của sự thay đổi, tạo nên những mô hình mới, thích nghi và đáp ứng những yêu cầu mới của người dùng. Nên nhớ, khách hàng và nhu cầu vẫn luôn ở đó, nó không mất đi mà chỉ thay đổi cách thức tiếp cận và đáp ứng. Điều này được quyết dịnh bởi chính sự vận dụng sáng tạo và thích nghi của các doanh nghiệp trong thời kì khó khăn này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước