Kịch bản nào cho chiến lược "Zero COVID" của Trung Quốc?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 02/04/2022 16:13 GMT+7

VTV.vn - Nếu Trung Quốc kiên trì cùng "Zero COVID", kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 46 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi tháng.

Bài hát rap "Đi chợ" đã trở thành một bản hit tại Thượng Hải. Bài hát lồng ghép lời nhạc với những hình ảnh về chiếc kệ trống rỗng, cảnh xô đẩy nhau trong siêu thị và cảnh những người dân đang xếp hàng để làm xét nghiệm PCR. Bài hát được viết ra với mục tiêu mang đến tiếng cười và nhằm cổ vũ hàng chục triệu người dân đang bị cách ly, sau khi chính quyền Thượng Hải theo đuổi chiến lược "Zero COVID" nhằm ngăn chặn số ca mắc mới hàng ngày đang bùng nổ tại đây.

Cụ thể, giới chức Trung Quốc lần đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa và xét nghiệm nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay, kéo dài 9 ngày, đối với thành phố Thượng Hải 25 triệu dân, nơi được coi là "trái tim tài chính" của đại lục. Người dân được yêu cầu ở trong nhà, trong khi các doanh nghiệp, trừ những doanh nghiệp phục vụ các ngành hàng thiết yếu, sẽ tuân thủ nghiêm các biện pháp hạn chế trong thời gian phong tỏa.

Kịch bản nào cho chiến lược Zero COVID của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Quyết định phong tỏa hai giai đoạn của Thượng Hải được đưa ra để giảm sự gián đoạn và không giống như các đợt phong tỏa trước đây, và ngày kết thúc đã được xác định. Các văn phòng và nhà máy đã phải áp dụng mô hình "bong bóng" tại chỗ, để không bị gián đoạn hoạt động. Nhiều nhân viên sẵn sàng ăn nằm, ngủ nghỉ dưới gầm bàn để phục vụ mục đích hoạt động của công ty không bị gián đoạn.

Các ngân hàng hay tổ chức đầu tư kêu gọi các nhân viên ở vị trí quan trọng ở lại văn phòng trong thời gian thành phố bị phong tỏa. Theo nguồn tin của CNN Business, các nhà giao dịch và quản lý quỹ được trả thêm 500 đến 2000 Nhân dân tệ (tương đương 78 đến hơn 300 USD) mỗi đêm nếu ở lại công ty. Các công ty khác cũng cung cấp cho nhân viên túi ngủ, thức ăn, và đồ dùng vệ sinh cá nhân để mọi người sẵn sàng "trụ" lại văn phòng trong thời gian này.

Mặc dù có sự chuẩn bị trước đó, nhưng thiệt hại về kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Chuyên trang tài chính Bloomberg dẫn lời các chuyên gia thuộc đại Hong Kong, Trung Quốc dự báo, trong kịch bản tồi tệ nhất, nếu Trung Quốc kiên trì cùng Zero COVID, kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 46 tỷ USD sản lượng kinh tế mỗi tháng, tức khoảng 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Con số thậm chí có thể lớn hơn nhiều nếu xét tới những tác động từ lạm phát và có thêm các thành phố lớn cũng áp dụng lệnh phong toả.

Kinh tế Trung Quốc có thể thiệt hại ít nhất 46 tỷ USD/tháng

Phong tỏa Thượng Hải sẽ không chỉ tác động riêng đến Trung Quốc mà còn là tác động dây chuyền lên toàn cầu nữa. Mới đây, người ta đã chứng kiến hình ảnh các xe tải chở rau củ quả của các nước Đông Nam Á nối đuôi nhau kéo dài tại các cửa khẩu Trung Quốc hay những con tàu container lớn đang neo chờ cập bến. Tất cả hoạt động logistics, chuỗi cung ứng đã bị chậm trễ do các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc.

Kịch bản nào cho chiến lược Zero COVID của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Người dân Thượng Hải xếp hàng trước khu mua sắm để mua thực phẩm ngày 29/3. (Ảnh: Reuters).

Việc đóng cửa ở Thượng Hải lần này cũng đánh dấu khả năng đình trệ cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc. Điều này làm dấy lên lo ngại về "một cơn ác mộng hậu cần" vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch và chiến sự ở Ukraine.

Chiến lược "Không COVID-19" của Trung Quốc ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng

Mặc dù các cảng của Thượng Hải và sân bay Phố Đông sẽ vẫn mở cửa, nhiều lái xe tải xung quanh Thượng Hải không thể thông xe để dỡ hàng trong thành phố. Vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các cảng cũng như đến sân bay quốc tế Phố Đông gần như bất khả thi. Các công ty hậu cần đang chuyển sang cảng Ninh Ba gần đó hoặc thậm chí là cảng Thanh Đảo xa hơn để ngăn chặn hỗn loạn chuỗi cung ứng xung quanh Thượng Hải. Tuy vậy, người tiêu dùng trên toàn thế giới vẫn có thể sẽ cảm thấy tác động.

Ông Kelvin Tay, CIO khu vực châu Á của UBS, nhận định: "Nếu những trung tâm tài chính và cầu cảng của Trung Quốc tiếp tục bị phong toả, chắc chắn thế giới sẽ trải qua một đợt trì trệ của chuỗi cung ứng toàn cầu như những gì đã xảy ra từ quý 3 năm ngoái".

Trước Thượng Hải, những đợt phong toả cũng đã được áp dụng với nhiều thành phố và khu công nghiệp quan trọng như Thâm Quyến hay Cát Lâm. Riêng Thâm Quyến đã phải đóng cửa hết các cơ sở sản xuất trong 1 tuần trừ những nơi thiết yếu nhất. Nhà máy Foxconn tại đây chuyên cung cấp linh kiện cho hãng Apple đã dự báo doanh thu sẽ sụt giảm 3% năm nay vì những đợt phong toả khiến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm đội lên.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường tại OANDA, nói: "Phong toả các trung tâm công nghiệp cũng có nghĩa là các dây chuyền sản xuất tại nước này phần nào bị đình trệ dẫn tới nguồn cung các sản phẩm bị ảnh hưởng. Cuối cùng là giá thành các sản phẩm hoàn thiện sẽ tăng theo".

Quay lại với Thượng Hải, các cảng ở đây xử lý khoảng 140 nghìn container một ngày. Hiện thời theo hãng vận tải Maersk ước tính, có khoảng 300 tàu chở hàng đang chờ để được dỡ hàng. Ở thời điểm hiện tại, khi chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang có khá nhiều nút thắt, ví dụ như xung đột Nga - Ukraine hay giá dầu tăng, việc phong toả các thành phố của Trung Quốc đang gây thêm một áp lực đáng kể đối với các hãng logistics toàn cầu.

Để phân tích sâu hơn về chiến lược phong tỏa mới của Trung Quốc, phóng viên VTV đã kết nối với phóng viên Thái Bình, thường trú tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

PV: Một số chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ cần một chiến lược từ bỏ zero COVID và sống chung với virus. Liệu báo chí địa phương hay giới chức Trung Quốc nhận định thế nào về đề xuất này?

PV Thái Bình: Điều chỉnh tiệm cận dần với thế giới. Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi "kiên trì" và "trách nhiệm" trong việc thực hiện chính sách "Zero COVID-19 năng động", nhưng nhấn mạnh ông muốn giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế và xã hội.

Điều này cho thấy mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chiến lược "Zero COVID", nước này sẽ không còn tìm cách chống dịch bằng mọi giá, mà chuyển sang tìm kiếm sự cân bằng tốt hơn giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế. chính sách "Zero COVID-19 năng động" có thể sẽ được duy trì cho đến khi diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch bùng phát. Nhưng chính sách này có thể được điều chỉnh để giảm bớt tác động kinh tế của nó.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước