Nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 để ứng phó với dịch COVID-19. Các hoạt động cốt yếu của thị trường bất động sản như mở bán hàng, thăm quan dự án trực tiếp, ký kết hợp đồng đã không thể thực hiện được. Thời điểm này cũng trùng với đúng dịp tháng 7 Âm lịch - tháng mà nhiều người mua nhà thường e ngại xuống tiền.
Nhiều môi giới bất động sản cho biết, chưa khi nào thị trường bất động sản đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Tuy nhiên, khác với các đợt bùng phát dịch lần trước, các công ty bất động sản, sàn giao dịch lại rất bình tĩnh ứng phó với các khó khăn.
Doanh nghiệp bất động sản bình tĩnh ứng phó với dịch COVID-19
Tư vấn bán nhà qua livestream trực tuyến - nếu 2 năm trước vẫn còn là xa lạ, nhưng nay, giống như "chiếc cần câu cơm" mới cho đội ngũ môi giới bất động sản. Người mua không cần lặn lội đến trực tiếp, mà vẫn nhìn rõ mọi ngách của dự án, thậm chí tránh được cả những view - hướng xấu, nhờ công nghệ thăm quan dự án ảo.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Dịch COVID-19 làm đảo lộn cách bán hàng truyền thống, phải chuyển qua online".
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, 80% số sàn giao dịch bất động sản đã phải dừng hoạt động. Chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Các chủ đầu tư dự án bất động sản cũng cho biết, do đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, nên khá bình tĩnh trong việc xử lý các khó khăn. Trong lúc này, họ cũng dồn nguồn lực để xử lý thủ tục pháp lý cho các dự án mới - vốn đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức.
Dự báo về thị trường bất động sản cuối năm
Trước đợt bùng phát dịch COVID-19 từ tháng 7, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã kinh doanh khá thành công trong quý 2 khi lượng giao dịch tăng tới 18% so với quý trước đó. Tuy nhiên, với thực trạng trầm lắng đột ngột như hiện nay, diễn biến của thị trường bất động sản các tháng còn lại của năm 2021 sẽ như thế nào? Đặc biệt, liệu giá nhà đất có giảm? Đây là câu hỏi được rất nhiều người mua nhà quan tâm thời điểm này.
Vào thời điểm hiện tại, một loạt các công trình xây dựng tại các địa phương đang giãn cách xã hội đang phải tạm dừng hoạt động, tuân thủ quy định phòng chống dịch COVID-19. Với diễn biến này, các chuyên gia dự báo, cuối năm nay, thị trường bất động sản sẽ thiếu sản phẩm mới, có thể bàn giao nhà ở ngay. Do đó, việc giảm giá bán khó có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản GP Invest, nhận định: "Tâm lý của người có tiền người ta vẫn muốn đầu tư sinh lời. Với nguồn cung hạn chế, không phải là thị trường chết mà sẽ khởi sắc trở lại khi dịch được kiểm soát. Dự án bán ra, kể cả nhà, chung cư đều nhích lên cả, đều có dấu hiệu tăng. Với nguồn cung hạn chế, giá cả vật liệu xây dựng tăng, thị trường sẽ nhích lên".
Theo báo cáo mới từ Bộ Xây dựng, trong quý 2, cả nước chỉ có 69 dự án nhà ở thương mại được cấp phép, chỉ bằng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, thị trường nhà ở đã không tạo ra lượng bất động sản tồn kho mới từ thị trường sơ cấp (tức là thị trường mua bán trực tiếp với chủ đầu tư). Đây là điều hiếm xảy ra trong suốt nhiều năm qua khi nhà ở liên tục dư thừa, nhất là nhà ở giá cao. Riêng giá căn hộ đã tăng khoảng 5 - 7% so với quý trước. Thậm chí, căn hộ 700-800 triệu đồng/m2 - tương đương với giá bán của cả 1 căn hộ nhà ở xã hội nhỏ đã xuất hiện trên thị trường.
Ông Tống Thanh Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty Sky Group, cho biết: "Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 3, thị trường sẽ khởi sắc trở lại".
Đó là nhận định khả quan ở phân khúc nhà ở - loại hình mà người dân vẫn có nhu cầu rất cao. Tuy nhiên, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được cho sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thống kê của Hội Môi giới bất động sản cho thấy, cả năm ngoái, phân khúc này mới tiêu thụ chỉ được khoảng hơn 100 sản phẩm. Chị Nguyễn Phương Quỳnh, một nhà đầu tư, đã mua 1 căn hộ khách sạn condotel tại Phú Quốc. Từ khi dịch bệnh diễn ra, việc cho khách du lịch thuê căn hộ đã bị ngưng trệ hoàn toàn. Căn hộ codotel cũng chưa có hành lang pháp lý để cấp sổ đỏ, càng khiến thị trường này trầm lắng hơn.
Chị Nguyễn Phương Quỳnh nói: "Nếu cứ này, chủ đầu tư cũng khó bán được các sản phẩm tiếp, mà tôi cũng không đầu tư thêm vào phân khúc này nữa".
Sau cơn sốt đất hồi đầu năm, đất nền một số khu vực đã giảm 10-20%. Thậm chí, còn xuất hiện tình trạng rao bán cắt lỗ, chấp nhận bỏ cọc, dấy lên lo ngại về xuất hiện bong bóng bất động sản như đã diễn ra cách đây hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, đây chỉ là những hiện tượng đơn lẻ bởi phần đông các nhà đầu tư bất động sản hiện nay phần đông có tiềm lực tài chính tốt, ít phụ thuộc vào vốn ngân hàng như trước đây.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, hiện nay nhiều dự án gần như đóng băng hoạt động. Để tránh những bất ổn trên thị trường từ nay tới cuối năm, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng đồng loạt đưa ra 1 số đề xuất tháo gỡ.
Doanh nghiệp bất động sản kiến nghị các giải pháp gỡ khó cho thị trường
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư BĐS GP Invest: Cần phân loại các công trình được thi công, Nếu tất cả đều bị đình chỉ chung, kinh tế bị ngưng trệ, các dự án bị chậm chễ, và có thể vỡ trận. Vì vậy, cần phân loại các dự án nào đảm bảo an toàn, ko nằm trong vùng dịch có thể tiếp tục thi công.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG: Về nguồn vốn, các ngân hàng phải có đề xuất hiệu quả về cơ cấu nợ, giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tăng vốn cho ngân hàng, cung ứng cho ngân hàng trong thời kỳ chống dịch.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh: Đề nghị các ngân hàng thương mại giảm lãi vay khoảng 2%/1 năm cho doanh nghiệp. người mua đang vay. Xem xét tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản được tiếp cận các khoản vay mới, để thực hiện các dự án là điều kiện sống còn của các doanh nghiệp.
Dù có nhiều nhận định lạc quan, nhưng một số ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản các tháng cuối năm nhìn chung khó đoán vì phụ thuộc phần lớn vào việc kiểm soát dịch COVID-19. Tuy nhiên, giới đầu tư trên toàn cầu vẫn xem bất động sản là kênh giữ tiền an toàn và có khả năng sinh lời trong tương lai. Thực tế, tại các trung tâm tài chính trên toàn cầu như Mỹ, New Zealand, Hồng Kong (Trung Quốc), giá nhà cũng tăng vọt trong suốt thời gian qua bất chấp dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!