Kiểm tra chuyên ngành - Khâu tốn thời gian nhất khi DN Việt Nam nhập khẩu

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 02/07/2018 13:43 GMT+7

VTV.vn - Thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hóa tại Việt Nam là 76 giờ, cao hơn đáng kể so với mức bình quân của ASEAN-4 là chỉ có 28 giờ.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra khâu tuân thủ kiểm tra chuyên ngành chính là khâu tốn thời gian nhất khi doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu.

Tờ Thời báo kinh doanh trích dẫn phản hồi từ phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành không có danh mục hàng hóa cụ thể cần phải kiểm tra.

Còn trong công tác xuất khẩu, tờ Thời báo kinh doanh nêu rõ, khâu xếp dỡ và lưu kho tại cảng là tốn kém nhất về tiền và thời gian. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng được chỉ ra chính là do năng lực của kho.

Bóc tách vấn đề sâu hơn, báo Giao thông đặt câu hỏi: Cách nào để giải tỏa hàng chục nghìn container tắc ở cảng? Cụ thể hơn, theo thống kê của báo Giao thông là 28.000 container đang ùn ứ tại các cảng lớn. Trong đó, Hải Phòng là gần 6.800 container, khu vực TP.HCM là gần 15.000 container, Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 6.500 container.

Ví dụ tại Tân cảng Cát Lái, tổng công suất chứa hàng chỉ khoảng 100.000 container nhưng số container tồn đọng đã chiếm tới hơn 8.000 container. Phó Giám đốc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn - ông Ngô Minh Thuấn - thừa nhận trên tờ Giao thông số hàng tồn đọng như vậy là quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mặt bằng và kinh doanh cảng.

Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - cũng thẳng thắn chia sẻ thực trạng này sẽ làm đội hàng loạt chi phí, thời gian lưu tàu, đậu, bốc dỡ, di chuyển của container tăng đáng kể. Tất cả chi phí này đều sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khiến giá hàng hóa đội lên, chưa kể khi cảng tắc nghẽn, khả năng xoay vòng giảm làm giảm tính cạnh tranh trong xuất nhập khẩu và qua đó là nguồn thu ngân sách.

Liên quan đến vấn đề trên, những chính sách mạnh tay hơn đã được đưa ra như việc kiểm soát hàng tồn quá 90 ngày buộc phải di dời sang cảng khác lân cận nhưng quy định và nguồn ngân sách thực hiện việc này vẫn chưa đủ cụ thể. Số lượng văn bản kiểm tra chuyên ngành cũng đã giảm tới 4.400 văn bản - một con số khổng lồ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó hơn 400 văn bản khác và hiện vẫn còn hơn 78.000 mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Rõ ràng, logistics bao gồm cả hạ tầng phần cứng và hệ thống quy định quản lý vẫn là khâu then chốt cần được tháo gỡ nhiều hơn bởi đó sẽ là tiền đề để tiếp tục nâng cao năng lực thương mại quốc gia.

Doanh nghiệp 'chóng mặt' vì kiểm tra chuyên ngành Doanh nghiệp "chóng mặt" vì kiểm tra chuyên ngành

VTV.vn - Cụm từ "chóng mặt" đã được Thời báo Kinh doanh dùng để tả cảm giác của doanh nghiệp khi rơi vào "ma trận" kiểm tra chuyên ngành.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước