Thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm không chỉ có ý nghĩa về "xã hội" mà còn có ý nghĩa cả trong "kinh doanh" – đây là điều mà các lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện các tổ chức xã hội, quốc tế và người tiêu dùng thống nhất tại Diễn đàn Kinh doanh vì sự phát triển bao trùm.
Các doanh nghiệp hòa nhập vượt ra ngoài hoạt động từ thiện đơn thuần bằng cách tích hợp sự đa dạng và đưa vào hoạt động của họ, chống lại sự phân biệt đối xử trong cả nơi làm việc và xã hội, song song với việc phát triển doanh nghiệp. Với đội ngũ nhân viên đa dạng về hoàn cảnh, xu hướng tính dục, bản dạng giới tính hay khác biệt, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể khai thác một nhóm tài năng mới và ý tưởng sáng tạo để theo kịp thị trường thay đổi nhanh chóng.
Nghiên cứu cho thấy trung binh các doanh nghiệp kinh doanh bao trùm có tổng lợi nhuận cổ đông cao gấp đôi so với các doanh nghiệp cùng loại. Hơn nữa, doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh lâu dài có thể có tổng lợi nhuận cổ đông cao gấp 4 lần so với các doanh nghiệp tương tự. Về lợi nhuận và giá trị tạo ra, trung binh các doanh nghiệp này đạt được doanh thu cao hơn 28%, gấp đôi lợi nhuận ròng và cao hơn 30% lợi nhuận kinh tế trong thời gian bốn năm.
Tuy nhiên, bất chấp sự thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trên toàn cầu, nhiều thách thức vẫn tồn tại ở Việt Nam trong việc tạo ra văn hóa hòa nhập trong kinh doanh. Một nghiên cứu được thực hiện bởi iSEE và UNDP vào năm 2016 cho thấy trung bình 30% số người được hỏi là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và liên giới (LGBTI) tại Việt Nam bị từ chối việc làm dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Hơn nữa, trong báo cáo năm 2018 của Ending Stigma, 66% người khuyết tật cho biết họ thậm chí chưa bao giờ đi phỏng vấn xin việc, và trong số những người đã tham gia phỏng vấn xin việc, 54% báo cáo rằng họ đã bị từ chối công việc vì họ bị khuyết tật.
Ông Đào Xuân Lai, Trợ lý Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: "UNDP tin rằng nguyên tắc không bỏ ai lại phía sau là cách tốt nhất và duy nhất để có thể phát triển bền vững và bảo vệ hành tinh duy nhất của chúng ta. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư xanh, tạo ra việc làm tử tế, giảm sự bất bình đẳng trong đội ngũ nhân viên và xóa bỏ định kiến, bao gồm định kiến đối với người khuyết tật và người đồng tính, song tính và chuyển giới. Diễn đàn Kinh doanh vì sự phát triển bao trùm nhằm ghi nhận và lan tỏa tinh thần kinh doanh của các doanh nhân này".
Diễn đàn kinh doanh vì sự phát triển bao trùm đưa ra các ví dụ về trường hợp đổi mới sáng tạo, kinh doanh và bình đẳng cho sự đa dạng. Chương trình sẽ bao gồm thảo luận về cách những lợi ích dường như khác biệt rất lớn này không chỉ có thể bổ sung mà còn củng cố lẫn nhau. Các CEO, Giám đốc, các nhà Quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thảo luận về những thách thức và giải pháp liên quan đến việc tích hợp sự đa dạng và hòa nhập vào hoạt động kinh doanh và khám phá các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho những nỗ lực trong tương lai.
Các doanh nghiệp hàng đầu như Accenture, Baker McKenzie, KPMG, S.A.P. and IKEA đã áp dụng những tiêu chuẩn toàn cầu mới nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới và phương pháp tiếp cận dựa trên quyền để trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch và Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia nhấn mạnh: "Việt Nam chỉ có thể phát huy được hết tiềm năng nếu tất cả mọi người đều là một phần của câu chuyện. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp phải tạo ra những trải nghiệm tích cực, đa dạng và bao trùm. Tại KPMG, điều này có nghĩa là một nơi làm việc Hạnh phúc, Lành mạnh và An toàn, trong đó tất cả mọi người đều có thể tự là chính mình. Điều này tốt cho Việt Nam và tuyệt vời cho các doanh nghiệp".
Imagtor, doanh nghiệp thắng cuộc trong cuộc thi SDG Challenge in 2017 và nhận vốn đầu tư ban đầu cùng với chương trình ươm mầm, đã chia sẻ nỗ lực trở thành quán quân trong việc thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm. Công ty hiện nay có 70 nhân viên, trong đó 60% là người khuyết tật và họ rất hợp với công việc sử dụng công nghệ thông tin, họ chính là những người giúp cho công ty liên tục phát triển và mở rộng ra các khách hàng ở Nhật Bản, Úc, và Mỹ.
Diễn đàn là một phần của sáng kiến Én Xanh, đồng tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!