Năm 2014 đánh dấu một năm đáng buồn của Brazil khi nền kinh tế thuộc G20 này chỉ tăng trưởng 1% - năm thứ tư liên tiếp đạt mức tăng trưởng thấp. Trớ trêu thay, chính World Cup - ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, sự kiện vốn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế số 1 Mỹ Latin lại chính là một trong những yếu tố dẫn tới thực trạng này.
15 tỷ USD đã được chi ra trong đó gần 1/3 là nhằm xây mới hoặc cải tạo 12 sân vận động để phục vụ các trận đấu tại World Cup. Tuy nhiên, giờ đây, không ít trong số đó hiện đang trở nên hoang phế, xuống cấp trầm trọng. Nhiều sân vận động được sử dụng làm bãi đỗ xe, nơi tổ chức sự kiện hoặc thậm chí là làm chỗ ở cho người vô gia cư, và cơ hội thu hồi vốn từ những công trình này chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Đầu tư nhiều như vậy, Chính phủ Brazil hy vọng sẽ thu hút 3,7 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước với khoản doanh thu 3,3 tỷ USD trong thời gian diễn ra World Cup. Trên thực tế, lượng khách du lịch tới Brazil đúng là có tăng, nhưng lại không được như dự kiến. Ngược lại, hơn 1 tháng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh diễn ra cũng là quãng thời gian mà giá khách sạn, các chuyến bay, dịch vụ đều bị đẩy lên cao, làm gia tăng tỷ lệ lạm phát lên mức 6,52%.
Bên cạnh đó, phần lớn số tiền được đầu tư cho World Cup đều được lấy từ ngân sách nhà nước, trong bối cảnh chi tiêu công đã ở mức cao trong một thời gian dài. Hệ quả là giờ đây, Chính phủ Brazil càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc sử dụng các nguồn lực cho chính sách kích thích, khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế.
Trước ngày khai mạc World Cup, Chính phủ Brazil đã phải đối mặt với hàng loạt cuộc biểu tình lớn nhỏ phản đối các khoản đầu tư lãng phí khi mà nhiều người dân vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo. Và khi mà ngày hội bóng đá thế giới khép lại cũng là lúc giọt nước thực sự tràn ly.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!