Kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 30/07/2022 11:45 GMT+7

VTV.vn - Những ngày này liên tục xuất hiện các báo cáo hạ dự báo tăng trưởng. Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ quan ngại về triển vọng nền kinh tế toàn cầu.

Tại Mỹ, từ khóa "suy thoái" chưa bao giờ được tìm kiếm nhiều đến vậy trên Google. TikTok, một nền tảng video ngắn, ngập tràn các clip đưa ra lời khuyên đối với thế hệ GenZ về cách "sinh tồn" trong suy thoái. Nhà đầu tư bán tháo đồng - kim loại đại diện cho triển vọng ngành công nghiệp sản xuất, và mua vào đồng USD - thể hiện tâm lý bất an.

Kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái?

IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022

Trong báo cáo Triển vọng tăng trưởng cập nhật công bố tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể sớm nghiêng về bờ vực suy thoái.

Triển vọng kinh tế thế giới đã xấu đi đáng kể so với báo cáo hồi tháng 4 của IMF. Dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm 0,4 điểm %.

Kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái? - Ảnh 2.

GDP quý 2 của Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm. (Ảnh minh họa - Ảnh: AP)

Ba nguyên nhân chính khiến việc hạ dự báo đó là do lạm phát cao kỷ lục kéo theo việc đẩy mạnh tăng lãi suất, Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc với chiến lược Zero COVID-19 và cuối cùng là xung đột Nga - Ukraine cùng các đòn trừng phạt "ăn miếng trả miềng", đặt biệt là vấn đề năng lượng.

Bên cạnh đó, IMF đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu năm nay tại các nền kinh tế phát triển sẽ chạm mức 6,6%, trong khi lạm phát tại các nước đang phát triển và mới nổi sẽ chạm ngưỡng 9,5%.

IMF còn tính tới kịch bản Nga sẽ cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt tới châu Âu vào cuối năm nay, khi đó GDP toàn cầu sẽ còn tăng 2,6% thay vì con số 3,2% trong báo cáo lần này.

Điều đó cho thấy là kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến số có thể xảy ra. Một biến số không thể không nhắc tới tuần qua chính là việc GDP quý 2 của Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm. Số liệu chính thức là âm 0,9% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, đây đã là quý thứ 2 liên tiếp kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, phù hợp với định nghĩa của tình trạng suy thoái kỹ thuật.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng nền kinh tế số 1 thế giới đã rơi vào suy thoái và cũng còn quá sớm để có thể nói quá trình siết chặt chính sách tiền tệ của FED, sau 4 lần tăng lãi suất liên tục, đã khiến kinh tế Mỹ suy thoái.

Còn quá sớm để nói kinh tế toàn cầu đã rơi vào suy thoái

Dù xuất hiện không ít dấu hiệu cảnh báo, nhưng nền kinh tế toàn cầu hiện vẫn sở hữu một số điểm khác biệt lớn so với các giai đoạn suy thoái trước đây.

Đầu tư

Suy giảm đầu tư là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra suy thoái. Trong các giai đoạn suy thoái trước đây, tình trạng sụt giảm vốn đầu tư đóng góp một nửa vào mức giảm GDP của các quốc gia thuộc nhóm G7.

Hiện tại, đầu tư có phần suy yếu nhưng không quá nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Oxford Economics, tốc độ sụt giảm đầu tư ước tính ở ngưỡng 0,5%/năm trong nửa cuối năm nay. Đó là thông tin xấu, nhưng chưa đủ xấu để gây ra một cuộc suy thoái.

Thị trường lao động ổn định

Tỷ lệ thất nghiệp trung bình của 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tính đến tháng 5/2022 chỉ còn 5%, giảm đáng kể so với con số 8% vào tháng 5/2020, đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, thậm chí còn thấp hơn cả mức 5,1% vào tháng 11/2019, thời điểm trước đại dịch.

Tại Mỹ, khoảng 2,2 triệu người đã tìm được việc làm trong nửa đầu năm 2022, trong đó chỉ riêng quý 2 đã có 1,1 triệu người.

Chủ tịch FED Jerome Powell nói với tôi rằng ông ấy không nghĩ kinh tế Mỹ suy thoái bởi vì có rất nhiều lĩnh vực đang phát triển rất tốt

Tổng thống Mỹ Joe Biden

"Có rất nhiều lời tuyên bố từ phố Wall và các chuyên gia rằng chúng ta đã suy thoái kinh tế, nhưng nếu các bạn nhìn vào thị trường lao động, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, thì sẽ thấy những bước tiến trong quý 2. Chủ tịch FED Jerome Powell nói với tôi rằng ông ấy không nghĩ kinh tế Mỹ suy thoái bởi vì có rất nhiều lĩnh vực đang phát triển rất tốt", Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh.

Số lượng việc làm mới tại các quốc gia phát triển cũng đang tiệm cận ngưỡng cao kỷ lục. Những con số tích cực đó hoàn toàn trái ngược với mỗi giai đoạn suy thoái.

Trợ cấp chính phủ hiệu quả

Chính phủ các quốc gia phát triển cũng đang tích cực hỗ trợ người dân vượt qua "cơn bão" giá năng lượng. Tại Eurozone, nguồn tài chính hỗ trợ nền kinh tế tương đương 1% GDP của khu vực.

Chính phủ Anh cũng thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, như giảm 400 Bảng Anh chi phí năng lượng cho mỗi hộ gia đình kể từ tháng 10/2021, cộng thêm 150 Bảng cho người khuyết tật và 300 Bảng cho những người nghỉ hưu.

Các khoản hỗ trợ tuy ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, nhưng đó là sự hỗ trợ cần thiết đối với những người gặp khó khăn, và theo Viện Nghiên cứu chính sách tài khóa, các khoản trợ cấp này tuy chưa hỗ trợ được hết, nhưng đã phần nào giúp người dân đối phó với tình trạng gia tăng chi phí sinh hoạt.

Có thể thấy dù tăng trưởng GDP có thể giảm, thậm chí âm, nhưng các số liệu kinh tế từ đầu tư, thất nghiệp, mức lương… vẫn đang khá ổn định. Tình hình cũng đang dần cải thiện khi giá cả hàng hóa toàn cầu liên tục sụt giảm từ đầu tháng 6 và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhận định tác động của FED và thị trường

Rõ ràng FED đang dẫn đầu cuộc chạy đua tăng lãi suất gây áp lực không nhỏ lên thị trường vốn toàn cầu.

"Thứ nhất, thị trường đang quan tâm đỉnh của việc tăng lãi suất của FED ở đâu. Thứ hai, thị trường có lượng lớn tiền mặt đang nằm ngoài thị trường, theo thống kê của Facebook là khoảng hơn 3.000 tỷ USD. 

Họ sẽ bỏ tiền vào thị trường khi họ thấy tín hiệu FED sẽ chậm tăng lãi suất trở lại, tăng 0,5 trong tháng 9 và có thể tăng chậm hơn trong tháng sau. Họ cũng muốn thấy lợi nhuận của doanh nghiệp đã đạt đáy, tức là tác động của việc suy giảm kinh tế đối với doanh nghiệp chỉ đến mức như vậy, không xuống nữa. 

Hầu hết lợi nhuận của các công ty lớn như Google, Microsoft đều kém hơn mức dự báo ở một số điểm. Điều này cho thấy tác động của nền kinh tế đi xuống là rõ ràng và tác động vào lợi nhuận doanh nghiệp. Khi lượng tiền vài nghìn tỷ USD này đổ vào thị trường, thì việc kéo thị trường lên khoảng 15 - 20% là không khó. Do đó, hiện người ta đang chủ yếu chờ đợi xem đáy của lợi nhuận đang ở đâu và khi nào FED chậm tăng lãi suất lại, người ta mới bắt đầu đổ tiền vào thị trường", Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh, cho biết.

Triển vọng tăng trưởng GDP những tháng cuối năm

Tuy nhiên trước những bất ổn toàn cầu, IMF vẫn đánh giá rất tốt các chính sách phục hồi kinh tế của Việt Nam và giữ nguyên mức dự báo GDP cho cả năm nay của nước ta là 6%.

Không chỉ IMF, mà nhiều định chế tài chính lớn khác cũng đã nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm. Thậm chí, theo Financial Times, so với thế giới, Việt Nam thuộc top quốc gia có tăng trưởng GDP vượt trội so với lạm phát. Đa phần dự báo GDP Việt Nam năm nay sẽ tiếp tục tăng từ 6 - 6,9%.

Không chỉ IMF, mà nhiều định chế tài chính lớn khác cũng đã nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm

Một điểm chung đáng chú ý từ các tổ chức quốc tế khi nói về Việt Nam đó là trong những dự báo mới nhất, dù bối cảnh kinh tế toàn cầu đã diễn biến tiêu cực hơn nhiều so với đầu năm, nhưng họ gần như vẫn không thay đổi dự báo về tăng trưởng kinh tế hoặc dự báo lạm phát của Việt Nam.

Điều này phần nào cho thấy sự tin tưởng của những tổ chức quốc tế vào triển vọng những tháng cuối năm của Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê mới công bố ngày 29/7 cũng đã cho thấy những nhận định này là hoàn toàn có cơ sở.

Điển hình là diễn biến lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Không chỉ lạm phát, những số liệu tháng 7 mà Tổng cục Thống kê mới công bố cũng đã phần nào hé lộ bức tranh tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Quy mô nền kinh tế, hay GDP, gồm 3 giỏ hàng: tiêu dùng cuối cùng, đầu tư và chênh lệch xuất nhập khẩu và chắc chắn các giỏ hàng của tháng 7 sẽ giúp chúng ta dự báo được sát hơn xu hướng kinh tế những tháng cuối năm.

Trước tiên là giỏ hàng tiêu dùng, to nhất, vì chiếm tới hơn 70% tổng giá trị GDP. Mỗi quả trứng, cân thịt chúng ta mua về, đều đang góp phần làm giỏ hàng này phình to hơn.

Thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 có quy mô và tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Việc nhà nhà chịu mạnh tay mở hầu bao trở lại chính là chỉ báo rõ nét nhất cho quỹ đạo phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Còn giỏ hàng thương mại, nói về xuất nhập khẩu phải so sánh với thế giới. WTO dự báo tăng trưởng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu sẽ thấp hơn năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tháng 7 Việt Nam vẫn xuất siêu 21 triệu USD. Cũng có băn khoăn là với độ mở xuất nhập khẩu gấp đôi GDP như Việt Nam, liệu chúng ta có chịu tác động lan tỏa từ suy thoái kinh tế Mỹ hay không?. Tuy nhiên, câu trả lời, theo chuyên gia ngành thống kê là không đáng lo ngại.

"Những mặt hàng xuất khẩu của chúng ta mang tính tiêu dùng thiết yếu, chẳng hạn như xuất khẩu da giày, sản phẩm nông nghiệp. Ở các nước khi suy thoái họ vẫn phải sử dụng những cái đó. Thứ hai, giá trị hàng hóa đó đối với chi tiêu của các nước trên thế giới là không nhiều nên họ suy giảm ở những mặt hàng khác, mặt hàng của Việt Nam không bị ảnh hưởng lắm", ông Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định.

Chiếc giỏ cuối cùng là các khoản đầu tư. Số liệu tháng 7 tiếp tục cho thấy sự cải thiện, nổi bật nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, khi con số này là mức cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua.

Như vậy, với 3 giỏ hàng của tháng 7, xu hướng tăng trưởng GDP trong bối cảnh sóng gió của kinh tế toàn cầu là khả năng được kỳ vọng. Đặc biệt trên nền quý 3/2022 còn tăng trưởng âm, quý 3 năm nay sẽ có mức tăng trưởng đột biến, là điều có thể dự báo.

Doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sự cải thiện không chỉ về lượng, mà cả về chất, khi xu hướng dòng vốn FDI chất lượng cao đang ngày càng hình thành rõ nét.

Nhà máy lắp ráp thứ 2 của Daikin Việt Nam đang gấp rút hoàn tất xây dựng để kịp đi vào hoạt động trong quý 4 năm nay, nhằm tận dụng bối cảnh thị trường Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong 2 quý cuối năm. Dự kiến nếu đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung ứng thêm 150.000 sản phẩm/ năm cho thị trường nội địa"

"Nhà máy đặt tại Việt Nam là những nhà máy hiện đại nhất trong khu vực của chung tôi, đảm bảo những tiêu chuẩn xanh và hàm lượng công nghệ cao", ông Ogami Noriyoshi, Phó Tổng Giám đốc Daikin Việt Nam cho biết.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển 220 triệu USD của Samsung dự kiến hoàn thiện cuối năm nay, nhà máy trung hòa carbon 1 tỷ USD của LEGO dự kiến khởi công vào tháng 11, hay sự kiện lớn của Eurocham vào cuối năm quy tụ hơn 100 doanh nghiệp châu Âu, là những minh chứng rõ nét khẳng định xu hướng dòng vốn FDI chất lượng cao tại Việt Nam.

"Với chính sách đúng đắn của Việt Nam trong việc chuyển đổi số, sử dụng năng lượng sạch, tôi tin đất nước của các bạn sẽ ngày càng thu hút được nhiều hơn vốn đầu tư từ châu Âu. Năm 2023 thậm chí sẽ còn khả quan hơn cuối năm nay", ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam đánh giá.

Kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái? - Ảnh 5.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

"Chúng tôi tập trung hợp tác đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, bên cạnh đó là cơ khí chính xác. Chúng tôi đánh giá cao thị trường Việt Nam tại khi vực Đông Nam Á vì kết quả tăng trưởng GDP vẫn dương trong hai năm đại dịch", ông Michele D'ercore, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Italia tại Việt Nam (ICHAM), nhận định.

Theo khảo sát, 76% doanh nghiệp EU đang hoạt động tại Việt Nam sẽ tăng vốn trước khi kết thúc quý 3 năm nay.

Kỳ vọng của tổ chức quốc tế

Dự kiến trong tháng 8 này, tổ chức Moody's sẽ tiếp tục có thông tin về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Nếu thuận lợi, năm nay Việt Nam sẽ chứng kiến cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm cải thiện đánh giá xếp hạng đối với Việt Nam. Đây cũng sẽ điểm chấm phá của bức tranh kinh tế Việt Nam trong con mắt quốc tế.

"Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu của doanh nghiệp Nhật Bản chỉ xếp sau Mỹ và có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư ổn định từ Nhật Bản trong những năm tới. Quốc gia các bạn đang kiểm soát tốt lạm phát, điều mà nhiều quốc gia trong khu vực và toàn cầu không làm được. Trong khi đó, xuất khẩu Việt Nam năm nay vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng 15 - 17%", ông Takeo Nakajima, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá.

"Nhờ kiểm soát được dịch bệnh và sớm mở cửa nền kinh tế trở lại mà Việt Nam củng cố thêm danh tiếng trên trường quốc tế và là một địa điểm tốt để đặt dây chuyền sản xuất, với định hướng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, và trở thành điểm sản xuất chất lượng cao trên thế giới", ông Paul Coughlin, Cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings, nhận định.

Với nội lực đang dần được củng cố, và là số ít nền kinh tế ngược dòng trong bối cảnh chung ảm đạm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, thậm chí là suy giảm, Việt Nam được coi là điểm sáng. Tuy nhiên ngược lại, áp lực dòng chảy ngược trong thời gian tới cũng sẽ không hề nhỏ.

Do đó, bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô, tiếp tục kiểm soát lạm phát và tận dụng được đà bứt phá ngược dòng để tiếp tục ghi điểm trên trường quốc tế, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, sẽ là những nhân tố quyết định sự thành công của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm nay và cả năm sau.

Đồng USD mạnh lên và những hiệu ứng tới kinh tế toàn cầu Đồng USD mạnh lên và những hiệu ứng tới kinh tế toàn cầu

VTV.vn - Đồng USD tác động đến mọi ngõ ngách của nền kinh tế toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước