Kinh tế Trung Quốc "lội ngược dòng" thành công trong một năm dịch bệnh

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 02/01/2021 12:37 GMT+7

VTV.vn - Bên cạnh những nền kinh tế vẫn đang chật vật vượt qua cú sốc mang tên COVID-19, Trung Quốc là ví dụ điển hình về một pha "lội ngược dòng" thành công trong năm 2020.

Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, ở mức 1,8%, và dự báo tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng 8%, trong năm 2021, đóng góp tới 1/3 cho sự phục hồi của kinh tế thế giới. Tất cả là nhờ vào công tác kiểm soát dịch tốt, và triển khai một số chính sách đổi mới thí điểm.

Thành phố Thượng Hải lần đầu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài hơn 20 tỷ USD trong năm nay. Thượng Hải đặt mục tiêu thúc đẩy việc mở cửa ở phạm vi rộng hơn và cấp độ sâu hơn.

Ông Hua Yuan, Giám đốc Ủy ban Thương mại thành phố Thượng Hải, cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng tốc xây dựng các khu vực thương mại tự do thí điểm để thu hút các nhà đầu tư lớn".

Tổng cộng 767 tập đoàn đa quốc gia đã thành lập trụ sở khu vực tại Thượng Hải, trong đó có 112 công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Thượng Hải chính thức trở thành thành phố tụ hội nhiều trụ sở khu vực nhất của các công ty đa quốc gia tại đại lục.

Kinh tế Trung Quốc lội ngược dòng thành công trong một năm dịch bệnh - Ảnh 1.

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi tích cực. (Ảnh minh họa: THX)

Ông Daryoush Ziai, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Thang máy Schindler, nói: "Gần đây, toàn bộ quy trình xin giấy phép xây dựng đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Đó là quy trình 1 cửa, có nghĩa các công ty chỉ cần đến một cơ quan chính phủ duy nhất để tiến hành mọi thủ tục".

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán đại lục năm qua vẫn thăng hoa, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Chỉ số SSE Composite giảm gần 400 điểm hồi tháng 3, đỉnh điểm của dịch bệnh. Tuy nhiên sau đó, chỉ số bắt đầu tăng khá ổn định kể từ giữa năm.

Ông Felix Fei, Phó Phòng đảm bảo của EY China Central, cho biết: "Kết quả hoạt động của thị trường chứng khoán đã vượt quá mong đợi của tôi. Chúng tôi dự đoán xu hướng sôi động này sẽ tiếp tục vào năm 2021".

Việc thí điểm hệ thống phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO dựa trên đăng ký đã mang lại nhiều tiện lợi cho các thương vụ chào sàn. Năm qua, Trung Quốc ghi nhận danh sách hơn 400 công ty IPO với số vốn huy động được lên đến 75 tỷ USD, và dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ vào năm 2021.

Trước đó, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới World Bank đã nhận định rằng, phải tới năm 2025 thì "vết seọ" do dịch COVID-19 gây ra cho sức khoẻ kinh tế thế giới mới thực sự lành. Và một trong những yếu tố nữa, mà các chuyên gia kinh tế cho rằng có thể giúp cho nền kinh tế của các quốc gia nhanh chóng "lành sẹo" sau dịch, đó là tăng cường hội nhập thương mại. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF báo cáo, tổng giao dịch thương mại thế giới sẽ tăng khoảng 8,3% trong năm 2021 sau khi giảm 10,4% trong năm nay.

Kinh tế Trung Quốc lội ngược dòng thành công trong một năm dịch bệnh - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất xe tải hạng nặng của Tập đoàn sản xuất ô tô Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 23/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN.

Có lẽ nhận thấy được những tiềm năng này, trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27, vào tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc đang cân nhắc việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tái khẳng định theo đuổi mục tiêu toàn cầu hoá nền kinh tế và tự do thương mại đa phương

Và mới đây nhất, trong khi Mỹ "bận rộn" với chính trị nội bộ và COVID-19, châu Âu và Trung Quốc "âm thầm" đàm phán và đạt được thoả thuận về đầu tư ngay trước thềm năm mới 2021. Sau 7 năm đàm phán, giới chức Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã nhất trí về một hiệp định đầu tư toàn diện giữa 2 bên.

Trang mạng Bưu điện Hoa nam buổi sáng cho rằng, với tuyên bố nỗ lực gia nhập CPTPP sau thời gian dài đứng bên ngoài quan sát hay hợp tác với EU, rõ rằng Bắc Kinh muốn vượt mặt Washington. Viện Brookings, cơ quan nghiên cứu chính sách công có trụ sở ở Washington, vừa đưa ra khuyến cáo rằng các chính sách của Mỹ ở châu Á cần phải điều chỉnh để phù hợp trước một thực tế năm 2020 được xem là điểm sáng trong trao đổi thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Asean. Thị trường 2 tỷ dân này càng có nhiều cơ hội để phát triển bởi có nhiều lợi thế trong hợp tác cũng như nhiều hiệp định thương mại được ký kết, mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện - RCEP. Mâu thuẫn giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới về thương mại đang giúp cho ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm 2020 Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương năm 2020

VTV.vn - Thành công trong kiểm soát dịch bệnh, đi kèm những chính sách hỗ trợ, điều hành kinh tế kịp thời... đây là các yếu tố mà báo chí Trung Quốc tập trung phân tích.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước