Một nhà máy sản xuất khẩu trang của Tập đoàn Y tế Naton ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: THX/TTXVN)
Đây là sự suy giảm tăng trưởng theo quý lần đầu tiên kể từ năm 1992. Đến nay, Trung Quốc vẫn thận trọng với các gói kích thích kinh tế quy mô lớn.
Số liệu được Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay (17/4) cho thấy, các chỉ số kinh tế chính đều giảm mạnh. Trong đó, tổng mức bán lẻ giảm tới 19%, đầu tư tài sản cố định giảm 16,1% và xuất nhập khẩu tính theo đồng Nhân dân tệ giảm 6,4%. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp có quy mô lớn giảm 8,4%.
Các số liệu công bố cũng cho thấy, tình hình đã có cải thiện hơn trong tháng 3 khi Trung Quốc cơ bản đã khống chế được dịch bệnh trong nước nhưng vẫn chưa đạt ở mức trước khi dịch xảy ra.
Đến nay, Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp với quy mô khoảng 1,6% GDP. Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ tương đối ổn định, không nới lỏng quy mô lớn như các nước. Các chích sách chủ yếu tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi thu nạp khoảng 80% lao động của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đang soạn thảo gói kích thích kinh tế tổng thể, trong đó có nâng mức bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu đặc biệt và nới rộng hạn mức phát hành trái phiếu xây dựng hạ tầng cho các địa phương. Gói kích thích này dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Thường vụ Quốc hội Trung Quốc cuối tháng này.
Các nhà phân tích cho rằng, quy mô gói kích thích kinh tế mà Trung Quốc dự kiến đưa ra sẽ không lớn như các nước khác, thường lên tới 10% thậm chí là 20% GDP. Bởi Trung Quốc vẫn lo ngại hậu quả của các gói kích thích kinh tế quy mô lớn. Đó là dư thừa công suất và khoản nợ lớn. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ chú trọng hơn đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như cải cách các yếu tố sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!