Năm nay, kinh tế Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong nhiều quý. Kinh tế Việt Nam đang có sức bật nhanh trong ngắn hạn, nhưng trước biến động của kinh tế thế giới, tăng trưởng cuối năm nay sang đến đầu năm sau được dự báo gặp nhiều lực cản. Đây là nhận định của nhiều tổ chức quốc tế trong các báo cáo cập nhật cuối năm.
Trong công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất, Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỷ giá linh hoạt hơn nữa, kể cả việc cho phép tỷ giá tham chiếu tăng nhanh hơn. Cùng với đó, sự phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ lúc này phải đảm bảo giá cả ổn định trong bối cảnh lạm phát cơ bản trong nước tăng tốc.
"Việc Hoa Kỳ tăng lãi suất có thể làm giảm lượng vốn nước ngoài dành cho Việt Nam. Do vậy, chúng ta sẽ cần theo dõi và giám sát rất cẩn thận, bởi vì điều này không chỉ là tác động lên tỷ giá hối đoái hay tác động đến lạm phát, mà còn là tác động đối với khả năng tiếp cận vốn toàn cầu", ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế Australia, đánh giá.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Các báo cáo về kinh tế vĩ mô đều cảnh báo vẫn còn những rủi ro bên ngoài đối với sự phục hồi kinh tế Việt Nam, bao gồm cuộc xung đột Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất toàn cầu tăng, đồng USD tăng giá và nguy cơ gia tăng suy thoái ở châu Âu.
"Một trong những thách thức là việc đồng USD ngày càng mạnh lên. Khi đồng USD mạnh lên, tiền VND sẽ yếu đi. Điều đó có thể tăng lạm phát tại Việt Nam, khi Việt Nam phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa nhập khẩu của mình. Mặc dù không gây ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư ra khỏi Việt Nam, điều này cũng làm gia tăng giá cả hàng hóa trong nước", ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP, nhận định.
"Chính phủ Việt Nam đã đưa ra những chính sách tài khoá và tiền tệ hợp lý trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Trong kỳ họp vừa qua, chúng ta cũng đã thấy Quốc hội Việt Nam đã thực sự đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô thành trọng tâm của hoạch định chính sách. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, nên đặt ra mục tiêu và có những chính sách để có thể kiểm soát tốt được tỷ lệ thất nghiệp, kiềm chế đà tăng của các chỉ số giá tiêu dùng", ông Denis Brunetti, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham), nêu quan điểm.
Theo các chuyên gia, hiện sản xuất kinh doanh đang gặp khó khi lãi suất tăng và việc tiếp cận nguồn vốn cũng eo hẹp. Do vậy, chính sách tiền tệ cũng cần phải thận trọng, đảm bảo các ngân hàng có đủ khả năng thanh khoản, có thể nới lỏng tín dụng hơn, phân bổ hợp lý, ưu tiên với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đóng góp cho nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!