Làm cách nào để sớm gỡ "nút thắt" phát triển nhà ở xã hội?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 30/04/2021 09:20 GMT+7

VTV.vn - Hiện hàng triệu người lao động chưa tiếp cận được nhà ở xã hội, trong khi nhiều dự án nhà ở xã hội lại ế ẩm xây xong "đắp chiếu".

Khó thu hút nhà đầu tư cho phân khúc nhà ở xã hội

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước có 3,4 triệu người lao động khó khăn có nhu cầu ổn định chỗ ở, trong khi nhà ở xã hội mới có dựng khoảng hơn 100.000 căn.

Nguồn cung còn thiếu đến gần 60%, tuy nhiên rải rác khắp các thành phố lớn, không khó để tìm thấy một dự án nhà ở xã hội xây mãi không xong, hoặc xong rồi nhưng không ai vào ở vì thiếu đủ thứ. Về phía doanh nghiệp, có rất nhiều lý do để không mặn mà với phân khúc nhà ở này.

Sau 8 năm đầu tư vào phát triển phân khúc nhà ở xã hội tại Bắc Ninh, doanh nghiệp Cát Tường mới chỉ triển khai được 2 dự án, đem lại hơn 1.000 căn hộ cho người có thu nhập thấp. Theo đại diện doanh nghiệp, sự hạn chế quỹ đất sạch để đồng bộ hạ tầng tiện ích ở mỗi dự án là lý do không muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

"Để có được thu hút đầu tư cho nhà ở xã hội, chúng tôi mong có được quỹ đất sạch và hạ tầng xung quanh đồng bộ, để đảm bảo những cư dân sống tại những khu nhà ở đó được hưởng những công trình phúc lợi như những đô thị khác", ông Phạm Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Dự án nhà ở xã hội Cát Tường, Bắc Ninh - cho hay.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, ở phân khúc nhà ở này, lợi nhuận thấp và việc khó tiếp cận các gói tín dụng cho vay ưu đãi là nguyên nhân không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Làm cách nào để sớm gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội? - Ảnh 1.

Nhu cầu nhà ở xã hội giá rẻ tại Việt Nam là vô cùng lớn. Ảnh minh họa - Dân trí.

Trao đổi với phóng viên VTV, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cũng chỉ ra rằng, mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận nhưng lợi nhuận làm nhà ở xã hội so với nhà ở thương mại kém rất xa. Đây là lý do khiến doanh nghệp không mặn mà với nhà ở xã hội.

Ngoài ra, quỹ đất sạch đang rất thiếu cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Nếu doanh nghiệp phải đi giải phóng mặt bằng đây là vấn đề khó khăn cho họ.

"Đặc biệt, vấn đề về nguồn vốn chưa đáp ứng. Trước đây, chúng ta có 30.000 tỷ đồng việc phát triển nhà ở xã hội rất tốt nhưng khi gói hỗ trợ này kết thúc, việc cấp vốn cho các dự án nhà ở xã hội gần như không còn. Do vậy, đây chính là điều quan trọng chậm phát triển nhà ở xã hội", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Hàng năm, Chính phủ đều có nghị quyết bổ sung hàng nghìn tỷ đồng thông qua các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng các ngân hàng thương mại hiện nay chưa quyết liệt, chưa thực sự vào cuộc đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nhiều điểm mới về phát triển nhà ở xã hội

Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 với mục tiêu vẽ lên một bức tranh nhà ở xã hội hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nhiều năm qua đó vẫn chỉ là một bức tranh với những nét vẽ rời rạc, bị "mắc cạn" trong vòng luẩn quẩn với hàng loạt "nút thắt" chưa được tháo gỡ. Vì vậy từ ngày 1/4 Chính phủ đã ban hành Nghị định 49 thay thế nghị định 100. Có nhiều điểm mới trong quy định với cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội tối đa không quá 25 năm. Trước đây, Nghị định 100 quy định thời hạn vay tối thiểu là 15 năm.

Đối với mức vốn vay để mua, thuê nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng. Xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, nhưng không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. So với nghị định cũ thì thêm điều khoản không quá 500 triệu đồng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên tại các đô thị loại đặc biệt và loại I hoặc từ 5 ha trở lên tại các đô thị loại II và loại III phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Trước đây, Nghị định 100 cho phép dự án dưới 10 ha được nộp tiền thay cho việc dành 20% quỹ đất để thực hiện nghĩa vụ này.

Làm cách nào để sớm gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội? - Ảnh 2.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của Nghị định 49 là thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội tối đa không quá 25 năm.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng Thư kí Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc kéo dài thời gian cho vay mua nhà ở xã hội từ 15 năm lên 25 năm là quy định tạo điều kiện thuận lợi giúp cho người vay tiền có khả năng thanh toán. Điều này sẽ kích thích người lao động mua nhà ở xã hội, tạo đầu ra cho các dự án này sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp phản ánh hiện việc tiếp cận vốn vay xây dựng các dự án nhà ở xã hội vẫn còn khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng phải có chế tài đối với các ngân hàng thương mại không đồng hành cùng doanh nghiệp.

"Tôi cho rằng phải có chế tài, phải có quy định khi dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục nhưng thời gian 1-2 tháng ngân hàng thương mại không thực hiện. Ngân hàng Nhà nước phải và cuộc xử lý các ngân hàng thương mại đó.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng cần sẵn sàng chuẩn bị các nguồn vốn để bù lãi suất theo các chỉ đạo, phê duyệt của Chính phủ", ông Nguyễn Văn Đính nói.

Phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương đúng đắn và nhân văn, hiện thực hóa quan điểm của Ðảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xây dựng xã hội vì con người. Ngoài gián tiếp nuôi dưỡng sức lao động, sáng tạo của con người, nhà ở còn là đòn bẩy cho quản lý và phát triển đô thị.

Với tốc độ di dân ra thành phố ngày một tăng, chỉ có nhà ở xã hội mới mới mong giảm số vụ xây nhà không phép, những vụ chuyển đổi đất không đúng quy định, bớt hình thành những khu dân cư tự phát - khu ổ chuột mới.

Nghị định 49 mới có hiệu lực chưa đầy 1 tháng sẽ cần thời gian để đi vào cuộc sống, nhưng chắc chắn thời gian thôi là không đủ, mà cần sự quyết liệt trong triển khai chính sách mới mong tạo cú hích mới cho thị trường nhà ở xã hội.

Lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm Lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm Kiến nghị dự án dưới 2 ha phải dành quỹ đất làm nhà ở xã hội Kiến nghị dự án dưới 2 ha phải dành quỹ đất làm nhà ở xã hội Thời hạn vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm Thời hạn vay vốn ưu đãi mua nhà ở xã hội tối đa 25 năm

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước