Giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED hiện vẫn tỏ ra khá thận trọng về triển vọng lạm phát. Một quan chức cấp cao của FED mới đây cho biết, ngân hàng trung ương này vẫn nên cân nhắc thực hiện các đợt lãi suất 0,75 điểm % cho đến khi có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát thực sự được kiềm chế.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc các chỉ số lạm phát đã đạt đỉnh hay tiếp tục tăng nhanh sẽ ảnh hưởng lớn tới sự thay đổi chính sách của FED trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là một phép thử lớn đối với tâm lý giới đầu tư và đà phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ.
Các thống kê cho thấy chỉ số S&P 500 đã tăng 13% so với mức thấp vào giữa tháng 6, nhờ kỳ vọng FED sẽ chấm dứt chính sách tăng lãi suất sớm hơn dự đoán. Mức lạm phát thấp hơn dự kiến sẽ có thể khiến nhiều nhà đầu tư quay trở lại thị trường chứng khoán, giúp nối dài đà tăng.
Các đợt phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong năm 2022 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC)
Ở chiều ngược lại, các số liệu lạm phát cao hơn có thể dội một gáo nước lạnh vào kỳ vọng này, ảnh hưởng tiêu cực đến các tài sản rủi ro và khiến chứng khoán lại chìm trong sắc đỏ.
"Khi thị trường lao động tiếp tục thể hiện sức mạnh, điều quan trọng với các nhà đầu tư là lạm phát đã đạt đỉnh và có thể đảo chiều hay không? Nếu lạm phát tiếp tục tăng tốc, những biến động lớn có thể xảy ra trên thị trường", ông Michael Arone, chiến lược gia đầu tư, công ty State Street Global Advisors, nhận định.
Theo Reuters, các đợt phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong năm 2022 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Ba đợt phục hồi trước đó của chỉ số S&P 500 đều đã đảo chiều và rơi xuống mức thấp kỷ lục. Những thống kê này đang khiến không ít nhà đầu tư nghi ngại về khả năng kéo dài của đợt phục hồi gần đây trên sàn chứng khoán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!