Lạm phát Mỹ hạ xuống mức 8,5% trong tháng 7
Ngày 10/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số CPI trong tháng 7 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với con số của tháng 6. Còn nếu loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng chỉ số CPI lõi tăng 5,9%, cũng nhỏ hơn mức mà thị trường dự báo.
CPI tháng 7 giảm hơn so với dự báo đã được thị trường chứng khoán Mỹ hấp thụ tích cực ngay từ đầu phiên. Chỉ số Dow Jones đã bật tăng hơn 400 điểm. Sắc xanh ập đến Phố Wall khiến chỉ Nasdaq ghi nhận 3 ngày giảm liên tiếp trong phiên trước đó đang có đà tăng mạnh nhất lúc này.
Báo Financial Times nhận định: Giá xăng dầu giảm là nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm. Cụ thể là giá xăng dầu tại Mỹ đã giảm 57 ngày liên tiếp.
Còn tờ LA Times thì bỏ qua khâu ăn mừng mà đặt một câu hỏi mang tính đi thẳng vào vấn đề: Liệu lạm phát đã đạt đỉnh rồi hay chưa? Tờ này cho rằng chặng đường từ đây trở đi đã bằng phẳng hơn. Sóng gió đã qua đối với người tiêu dùng Mỹ.
Tờ New York Times phân tích kĩ hơn rằng giảm ở đây chỉ là giảm nhờ giá xăng dầu, giá vé máy bay, giá mua ô tô cũ, còn giá thực phẩm và giá thuê nhà từ tháng trước tới nay vẫn như thế không thay đổi - đây là những hạng mục rất quan trọng với người Mỹ.
Người tiêu dùng Mỹ đã phải đối mặt với lạm phát nghiêm trọng: Giá xăng đạt mức kỷ lục và chi phí thực phẩm tăng cao. (Ảnh: CNN)
Tác động của CPI lên chính sách lãi suất của FED
Theo USnews, chỉ số CPI sẽ là bài kiểm tra thực tế đầu tiên đối với chính sách tiền tệ chống lạm phát của FED, sau các đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản liên tiếp để hạn chế nhu cầu và hạ nhiệt thị trường lao động nhằm hãm đà tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Phân tích về chủ đề này, Reuters có bài viết với tựa đề: "Lạm phát vẫn là tên của cuộc chơi". Trong đó, bài viết cho biết các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về giá tiêu dùng tháng 7 để đánh giá động thái tiếp theo của FED trong cuộc chiến chống lạm phát và liệu chính sách sắp tới có tạo cơ hội tốt hơn để kinh tế phát triển hay không.
Với nội dung tương tự, CNBC có bài viết "Lạm phát trở thành trọng tâm lớn tiếp theo của thị trường sau báo cáo việc làm tháng 7".
Theo đó, bài báo phân tích, theo dự kiến gần đây nhất của FED, lãi suất có thể dao động trong khoảng 3,25 đến 3,5% vào cuối năm. Nhưng điều này vẫn có thể thay đổi nếu dữ liệu còn nóng. Khi đó FED có thể đưa ra dự báo lãi suất cao hơn vào tháng 9.
Chuyên gia phố Wall nhận định về CPI tháng 7 của Mỹ
Theo chuyên gia, lạm phát vẫn sẽ là một hiện tượng dai dẳng đeo bám tại Mỹ. Ảnh minh họa - (Ảnh: Getty Images)
Trước khi chỉ số CPI tháng 7 của Mỹ được công bố, các chuyên gia tài chính phố Wall hầu như đều dự đoán là chỉ số lạm phát vẫn sẽ rất cao khó mà giảm nhiều được. Một số chuyên gia thậm chí vẫn dự báo thị trường sẽ bán tháo.
Ông Philip Palumbo - Giám đốc Quỹ quản lý tài sản Palumbo cho biết: "Tôi cho rằng FED vẫn sẽ phải tăng lãi suất tiếp 100 điểm cơ bản. Lạm phát sẽ còn kéo dài hơn họ tưởng".
"Chỉ số lạm phát mạnh hơn dự báo sẽ dẫn tới khả năng thị trường bán tháo, nghĩa là FED vẫn phải tiếp tục với chính sách tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Cũng giống như số liệu việc làm của thứ 6 tuần trước nó khiến FED có sự tự tin để tiếp tục tăng lãi suất hơn nữa", ông Philip Palumbo nói thêm.
Trái ngược với các dự báo trên, cuối cùng chỉ số lạm phát thậm chí còn ít hơn cả dự báo và phản ứng ngay lập tức của thị trường là bật tăng mạnh mẽ ở cả 3 chỉ số. Tuy nhiên, theo chuyên gia đó là lạm phát vẫn sẽ là một hiện tượng dai dẳng đeo bám.
Con số 8,5% dù có thấp hơn so với tháng 6, nhưng so với mức lý tưởng của chính phủ Mỹ mong muốn là 2% có thể thấy là chặng đường kiềm chế lạm phát vẫn còn rất dài. Đó là còn chưa nói tới việc các yếu tố khác có thể đột biến như là xung đột Nga - Ukraine, chính sách "Zero covid" tại Trung Quốc. Tất cả những yếu tố này đều có tác động lên giá cả hàng hoá, năng lượng, mà chúng ta chưa thể bỏ qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!