Lao động ngành may mặc toàn cầu có thể mất gần 6 tỷ USD thu nhập

Ngọc Linh (Tổng hợp)-Thứ ba, ngày 11/08/2020 17:00 GMT+7

VTV.vn - Những công nhân ngành may mặc ở Nam Á và Đông Nam Á đang phải sống dựa vào những đồng lương ít ỏi khi họ chỉ nhận được 3/5 tổng số thu nhập thường xuyên của mình.

Nhiều lao động đang không được trả lương trong thời kỳ dịch COVID-19

Công nhân trong ngành may mặc, nhất là những lao động làm việc cho các nhãn hiệu thời trang toàn cầu, đang bị trả lương thấp hoặc không được trả lương trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, với tổng giá trị tiền lương bị mất có thể lên tới gần 6 tỷ USD.

Thông tin trên được Nhóm các nhà hoạt động vì quyền người lao động Clean Clothes Campaign đưa ra, giữa bối cảnh dịch COVID-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến các cửa hàng đóng cửa và nhiều nhà bán lẻ đã hủy đơn hàng hoặc yêu cầu các nhà cung cấp giảm giá sản phẩm. Điều này đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng chục triệu người lao động thuộc lĩnh vực này.

Lao động ngành may mặc toàn cầu có thể mất gần 6 tỷ USD thu nhập - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại nhà máy ở thành phố Vernon, Los Angeles, California, Mỹ ngày 16/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN.

Clean Clothes Campaign cho biết, những công nhân ngành may mặc ở Nam Á và Đông Nam Á đang phải sống dựa vào những đồng lương ít ỏi khi họ chỉ nhận được 3/5 tổng số thu nhập thường xuyên của mình trong giai đoạn từ tháng Ba tới tháng Năm năm nay. Thậm chí, ở một số khu vực của Ấn Độ, công nhân ngành may mặc nhận được số lương ít hơn một nửa thu nhập bình thường của họ do ảnh hưởng của đại dịch.

Clean Clothes Campaign kêu gọi các thương hiệu thời trang và các nhà bán lẻ trên toàn cầu dừng việc chối bỏ trách nhiệm và đưa ra cam kết công khai để đảm bảo tất cả người lao động trong chuỗi cung ứng của họ nhận được những gì họ nợ.

Nhóm hành động này cũng cho biết, tình trạng thiếu dữ liệu đã hạn chế việc nghiên cứu tình hình của người lao động tại bảy quốc gia gồm Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Pakistan và Sri Lanka. Tuy nhiên, kết quả có lẽ không khả quan hơn các vùng có mức lương thấp khác. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng người lao động thuộc lĩnh vực may mặc trên toàn thế giới có thể đã mất 3,19 tỷ-5,79 tỷ USD trong ba tháng đầu tiên khi đại dịch bắt đầu bùng phát mạnh. Họ cũng ước tính khoảng 500 triệu USD tiền lương của người lao động đã bị nợ hoặc từ chối chi trả tại Bangladesh, và con số này tại Indonesia là hơn 400 triệu USD.

COVID-19 khiến ngành dệt may Việt Nam "lâm nguy"

Lao động ngành may mặc toàn cầu có thể mất gần 6 tỷ USD thu nhập - Ảnh 2.

Khảo sát với hơn 3.100 doanh nghiệp dệt may Việt Nam cho thấy, 4 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp này đã giảm từ 60 - 80%, tỷ lệ huỷ đơn hàng từ 30 - 70% so với cùng kì 2019. Các thị trường tiêu thụ truyền thống như Mỹ, châu Âu chưa trở lại đã khiến ngành may mặc gần như "ôm trọn" rủi ro kinh doanh.

Tính đến hết tháng 5/2020, xuất khẩu may mặc của Việt Nam đạt 10,56 tỷ USD, giảm hơn 13,6% so với cùng kì năm ngoái. Xét theo các thị trường xuất khẩu chủ chốt, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU giảm 19%. Hai thị trường này đã chiếm tới gần 60% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Một trong những khó khăn khác đối với ngành dệt may là thiếu phân khúc sản xuất vải và đứt chuỗi cung ứng. Được biết, dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước