Lao động nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải tham gia BHXH bắt buộc

Nhóm phóng viên VTV4-Thứ tư, ngày 15/10/2014 18:21 GMT+7

Phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh minh họa. (Kinh tế đô thị)

Đến năm 2018, người lao động nước ngoài có giấy phép, chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam sẽ thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc.

Đây là quy định mới trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa VIII khai mạc vào đầu tuần sau.

Việt Nam hiện có khoảng 66.000 lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động, trong số đó không ít lao động được công ty mẹ ở nước ngoài phái đến trụ sở tại Việt Nam làm việc theo nhiệm kỳ.

Công ty TNHH Canon tại Hà Nội hiện có gần 100 lao động Nhật Bản thuộc diện này. Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao Công ty THNN Canon Việt Nam cho rằng: “Họ là những đối tượng được cử tạm thời, hết nhiệm kỳ về Nhật Bản, nên theo tôi không nên áp dụng đối với những đối tượng này”.

Cũng có nhiều ý kiến khác ủng hộ điều khoản tham gia BHXH bắt buộc cho người nước ngoài, Matt Gudge - Giáo viên tiếng Anh tại Hội đồng Anh là một trong số đó. Matt Gudge đã từng đến hơn 20 quốc gia nhưng chỉ tại Việt Nam, ông mới tìm được một công việc muốn gắn bó lâu dài. Theo ông, dự thảo Luật BHXH lần này là cơ hội tốt để ông có thể đóng góp cho Việt Nam. Ông cho rằng: “Có vẻ như đây là một đề xuất hay. Tôi nghĩ sẽ rất tích cực nếu cả xã hội cùng đóng góp vào một quỹ như thế này để giúp đỡ các thành viên kém may mắn hơn trong xã hội”.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Theo đại diện của Bộ, điều khoản mở rộng phạm vi tham gia BHXH bắt buộc cho lao động nước ngoài là cơ sở pháp lý để Việt Nam có thể tiến hành đàm phán ký kết các Hiệp định song phương về BHXH với các nước khác. Hiệp định song phương này sẽ quy định rõ quyền lợi, mức được hưởng của lao động nước ngoài khi tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam.

Ông Phạm Trường Giang - Vụ phó Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Khi không có Hiệp định song phương, người lao động phải tham gia BHXH ở cả hai nước, dẫn đến việc tham gia trùng, không đảm bảo quyền lợi người lao động, khi ký Hiệp định song phương thì sẽ giải quyết được vấn đề này”.

Ông Giang cũng cho biết, Hiệp định song phương cũng sẽ đảm bảo kết nối thời gian đóng BHXH của lao động nước ngoài. Ví dụ, một lao động nước ngoài làm việc và đóng BHXH tại Việt Nam 5 năm, khi về nước, anh sẽ được cộng nối khoản đóng này vào khoản đã đóng tại nước nhà. Tuy nhiên, Hiệp định song phương chỉ có thể được thiết lập khi luật pháp nước sở tại cho phép lao động nước ngoài tham gia BHXH tại nước đó.

Nếu dự thảo Luật BHXH được thông qua, điều khoản mở rộng phạm vi tham gia cho lao động nước ngoài sẽ có hiệu lực vào năm 2018. Việt Nam sẽ có 3 năm chuẩn bị tiến trình đàm phán với các quốc gia để xây dựng và ký kết Hiệp định song phương nhằm đảm bảo quyền an sinh xã hội. Dự thảo Luật BHXH dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội sắp tới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước