Khoảng 18% doanh nghiệp đang bị thiếu lao động. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Dịch COVID-19 đã khiến 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn và từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh, trong đó hơn 600.000 lao động di cư về quê tại các tỉnh phía Nam, nên đã gây nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ ở một số vùng, một số ngành, lĩnh vực khi phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hiện tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc mới chỉ đạt khoảng 70% so với nhu cầu doanh nghiệp. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 18% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Cụ thể, thiếu hụt lao động ngành điện tử là gần 56%; da giày 52%; may gần 50%, sản xuất thiết bị điện 44,5%, dệt 39,5%…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho biết: "Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều doanh nghiệp lớn về công nghiệp điện tử trên thế giới, có 6 công ty điện tử lớn nhất đã xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, giống như các doanh nghiệp công nghiệp đang gặp phải, ngành công nghiệp điện tử đang thiếu lao động".
"Thiếu hụt lao động rất rõ ràng, chiếm tỷ lệ trên 30%. Điều này cho thấy đại dịch COVID-19, nhất là làn sóng dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến sản xuất của ngành điện tử và đặc biệt là 19 tỉnh, thành phía Nam. Đến nay, các doanh nghiệp phía Nam báo cáo, công nhân quay trở lại sản xuất mới được có khoảng 60 - 70% và thiếu lao động trầm trọng do người lao động về quê và hiện giờ chưa thể lên được. Ngay cả hãng Samsung lớn nhất tại khu công nghệ cao Quận 9, TP Hồ Chí Minh quay trở lại làm việc chưa được 70% và sang đến tháng 11 sẽ trở lại được 100%, nhưng thực ra rất khó vì hiện giờ lao động rất thiếu. Lao động quay về quê, với tỷ lệ lao động được tiêm đủ 2 mũi như Chính phủ vẫn nói là lao động xanh vẫn chưa đủ được. Nhìn chung tình trạng thiếu lao động vẫn đang khá trầm trọng", bà Hương cho biết thêm.
Để khôi phục lại chuỗi lao động bị đứt gãy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng 2 phương án cung ứng lao động qua đào tạo, góp phần bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời kỳ hậu COVID-19.
- Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); cùng 500.000 học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 và năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp.
- Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.
Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp cho rằng việc thu hút người lao động quay trở lại làm việc là bài toán của chính sách. Để doanh nghiệp khôi phục sản xuất cần chính sách dành cho lao động nhập cư; chính sách xã hội và an sinh xã hội; y tế phòng chống dịch và thích ứng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!