Trở lại thành phố hay ở quê: Bài toán "cơm áo gạo tiền" hậu COVID-19

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 19/10/2021 20:12 GMT+7

VTV.vn - Nhiều lao động về quê đang "án binh bất động", có người xem đây là thời gian nghỉ ngơi trước khi quyết định có trở lại nhà máy hay không.

Hơn 1 triệu lao động đã trở về quê để tránh dịch, ngoài nguy cơ lây lan dịch bệnh, điều đáng lo ngại nhất là tình trạng thiếu lao động ở các nhà máy, khu công nghiệp tại các thành phố lớn. Trong khi tình trạng thừa lao động lại đang diễn ra ở nhiều vùng nông thôn.

Trở về với mong muốn lập nghiệp tại quê nhà, nhưng tại thị trấn nhỏ này, để tìm được công việc ổn định, thu nhập đều đặn hàng tháng với vợ chồng anh Lợi, chị Hà (công nhân, khu công nghiệp Bình Dương) là rất khó khăn. Tuy rằng túng thiếu, nhưng anh chị vẫn chưa đi tìm việc vì muốn để các con làm quen với môi trường mới.

"Vì mình đi xa về, mọi người thấy sợ. Em vẫn thấy ngại nên em chưa đi ra khỏi xã", chị Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Trở lại thành phố hay ở quê: Bài toán cơm áo gạo tiền hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Người dân kéo về quê tại cửa ngõ TP Hồ Chí Minh sáng 15/8. (Ảnh: NLĐ)

"Trong lúc dịch nên vẫn cần vốn liếng, nếu muốn làm công việc gì đấy thì phải xoay xở, vay mượn thì mới có vốn để làm", anh Hoàng Văn Lợi (chồng chị Hà) cho hay.

Trở về từ miền Nam 2 tháng trước, sau khi hoàn thành 28 ngày cách ly, hơn 1 tháng nay, anh Đạo (công nhân tại Đồng Nai) vẫn chưa tìm được việc làm. Cuộc sống của cả gia đình trông chờ vào việc làm của vợ tại quê, nhưng thu nhập lúc có, lúc không.

"Dịch thế này đi lại khó khăn, muốn đi làm nhưng không đi được", anh Đỗ Văn Đạo bày tỏ.

Xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ có khoảng 2.000 người đi làm ăn xa. Từ đầu tháng 7 đến nay, khoảng 500 người trở về địa phương. Dù không bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, nhưng hoạt động kinh doanh buôn bán tại đây mới chỉ giải quyết đủ việc làm cho những người dân, địa phương. Những người đi xa về mới chỉ phụ giúp gia đình, chưa có công việc riêng ổn định.

Hiện nay, những người trở về vẫn chủ yếu "án binh bất động", có người xem đây là thời gian nghỉ ngơi trước khi quyết định có trở lại nhà máy hay không. Nếu so với thu nhập ở thành phố thì họ là người nghèo, nhưng so với thu nhập ở quê thì vẫn cao hơn nhiều nên việc đi tiếp hay ở lại vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ chưa có lời đáp.

Không thiếu việc làm chờ lao động trở lại

Thời điểm này, người lao động cần đưa ra quyết định cho sự sinh tồn của mình, ở lại quê hay trở lại tìm việc ở các khu công nghiệp, nếu quyết tâm trở lại làm công nhân tại các khu công nghiệp thì đây là thời điểm thích hợp, bởi quý 4 là quý tăng tốc tuyển dụng.

Hiện các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm và nhu cầu tuyển dụng cũng tăng mạnh để lấp đầy các dây chuyền. Cơ hội việc làm rất lớn và nhiều ưu đãi hơn để người lao động yên tâm khi trở lại.

Ngay khi TP Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách, Công ty CP Tập đoàn Gia Định cần tuyển ngay 4.200 lao động để lấp đầy những dây chuyền sản xuất nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đơn hàng đã ký kết. Lần đầu tiên một bộ quy tắc thu hút lao động đã được thực hiện như một chiến lược với nhiều tiêu chí có lợi cho người lao động cả về sức khỏe, thu nhập và phúc lợi.

"Người lao động tuyệt đối tin tưởng ở doanh nghiệp, an tâm, an toàn để sản xuất", ông Nguyễn Chí Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gia Định, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ.

"Ngoài hỗ trợ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần có chính sách đãi ngộ, phúc lợi tốt hơn, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động căn cơ hơn", ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Tại một số địa phương có lao động trở về, nhu cầu tuyển dụng tại chỗ khá lớn. Công ty Seshin Việt Nam cần tuyển ngay 300 lao động và đến cuối năm là 700 lao động. Nếu tính cả chi nhánh ở tỉnh khác thì doanh nghiệp cần đến 2.000 người. Họ ưu tiên lựa chọn những lao động từ miền Nam trở về vì có nghề và kỷ luật lao động tốt.

"Công ty chúng tôi cần tuyển dụng nhiều lao động. Chúng tôi đánh giá cao tác phong công việc, tính kỷ luật của các lao động từ miền Nam trở về. Vì vậy ai đến xin việc, chúng tôi đều nhận ngay, không cần thử việc. Tôi nghĩ những lao động này khi quay lại đều được các doanh nghiệp chào đón", Tổng Giám đốc công ty Seshin Việt Nam Baek Jung Huyn nói.

Xã Tạ Xá, huyện Cẩm Khê, Phú thọ có hơn 500 người trở về. Phần lớn họ có tuổi nghề tại các khu công nghiệp lớn ở phía Nam.

Các lao động trở về cũng có những dự định riêng. Theo khảo sát của chính quyền địa phương, hầu hết họ đều có ý định quay lại nơi làm việc cũ chứ không ở lại quê lâu. Một số lao động đã bắt đầu liên hệ với nơi làm cũ, nhưng có người xác định sau kỳ nghỉ Tết sẽ vào Nam.

Trở lại thành phố hay ở quê: Bài toán cơm áo gạo tiền hậu COVID-19 - Ảnh 2.

Nếu quyết tâm trở lại làm công nhân tại các khu công nghiệp thì đây là thời điểm thích hợp, bởi quý 4 là quý tăng tốc tuyển dụng. (Ảnh minh họa - Ảnh: dangcongsan)

Phú Thọ có khoảng 60.000 lao động về quê tránh dịch. Các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh khó có thể hấp thụ hết số lao động này, nhưng số người xác định ở lại rất ít. Vì vậy, một mặt, tỉnh sẽ khuyến khích những người ở lại vào làm trong các doanh nghiệp, mặt khác cũng sẽ tạo điều kiện cho người lao động di chuyển khi cần.

Sẽ có làn sóng lao động trở lại các nhà máy?

Những ngày qua, trên 143.000 lao động đã quay lại TP Hồ Chí Minh. Việc nới lỏng các điều kiện đi lại đã giúp người lao động có điều kiện dịch chuyển dễ dàng hơn trong khi tìm việc làm và quay lại nhà máy.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... cho biết, nhiều lao động về quê đã trở lại các nhà máy, xí nghiệp.

"Giải pháp tốt nhất là doanh nghiệp cần đưa ra thời gian dự kiến mở lại sản xuất để có việc làm cho công nhân để công nhân an tâm hơn khi quay trở lại làm việc, thu nhập bảo đảm", TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhấn mạnh.

"Doanh nghiệp cần có chiến lược sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, vùng phụ cận, nên có kết nối giữa các địa phương để tái sản xuất", PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động, nêu ý kiến.

"Khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất là những nơi tạo ra việc làm, tạo sinh kế cho người lao động, giúp người lao động có thu nhập ổn định. Một sớm một chiều, làn sóng dịch chuyển lao động sẽ quay trở lại các thành phố, khu công nghiệp, chế xuất, nhưng vấn đề là quản lý nhà nước cả trung ương lẫn địa phương cần tác động để có sự điều tiết, để sự dịch chuyển ấy nằm trong sự kiểm soát", ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Quốc gia về việc làm, nhận định.

Để thúc đẩy nhanh hơn việc dịch chuyển nhân công trở lại nhà máy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19.

Để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, lao động, các doanh nghiệp, địa phương cần hỗ trợ giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại thị trường lao động; đặc biệt là đảm bảo hợp đồng và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội. Chính sách được khuyến cáo là tập trung hỗ trợ chi phí thuê nhà, đi lại, sinh hoạt phí cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong điều kiện bình thường mới.

Hơn 6.600 doanh nghiệp phía Nam cần tuyển lao động Hơn 6.600 doanh nghiệp phía Nam cần tuyển lao động

VTV.vn - Thời điểm này là cao điểm sản xuất cho các đơn hàng cuối năm của doanh nghiệp, nên cơ hội việc làm cho người lao động là rất lớn.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước