Các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh được bố trí tại các khu vực cửa ngõ của thành phố, kết nối đến các vùng sản xuất nông nghiệp lớn của miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên. Với vai trò vô cùng quan trọng nhưng hiện tại 3 chợ đầu mối lớn đã phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch.
Chưa thể mở cửa trở lại các chợ đầu mối, tuy nhiên việc tận dụng cơ sở hạ tầng, nhân lực hiện có của các chợ đầu mối để làm các trạm trung chuyển, đầu ra cho nông sản của các tỉnh, thành phố phía Nam đang là yêu cầu bức thiết buộc chính quyền TP Hồ Chí Minh phải triển khai gấp rút.
Hai tuần nay, mô hình chợ đầu mối Thủ Đức đã được thay đổi, bãi đậu xe trở thành là khu vực trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh Đông Nam Bộ về TP Hồ Chí Minh.
Tất cả giao dịch như giá cả, số lượng hàng được thương nhân và người mua chốt đơn bằng điện thoại. Khu vực trung chuyển chỉ diễn ra hoạt động xuống hàng. Với cách làm này, mỗi đêm, gần 50 tấn nông sản đã tập kết tại chợ và phân phối về các chợ truyền thống.
TP Hồ Chí Minh lập trạm trung chuyển chợ đầu mối để gỡ vướng cho nông sản. Ảnh minh họa - TTXVN.
Tương tự, chợ đầu mối Hóc Môn cũng đang lên phương án tổ chức, bố trí khu vực tập kết khoảng 5.000m2. Nếu điểm trung chuyển này đi vào hoạt động, mỗi ngày có thể tiếp nhận, phân phối tối đa 120 - 150 tấn hàng hóa.
Thành lập chuỗi cung ứng khép kín mới tại các trạm trung chuyển tại 3 chợ đầu mối là một trong những phương án thông thương hàng hóa được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho TP Hồ Chí Minh triển khai trong bối cảnh hiện tại. Các hoạt động thương mại như giá cả, chốt đơn, số lượng hàng hóa sẽ được thực hiện gián tiếp.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nông sản từ trạm trung chuyển chợ đầu mối sẽ được vận hành trong chuỗi cung ứng nên hạn chế tiếp xúc. Đã có 330 đầu mối là các doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký cung ứng nông sản để hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành phía Nam và ra phía Bắc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!