Liên kết từ bán tín chỉ carbon khi trồng lúa

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 03/06/2024 15:12 GMT+7

VTV.vn - Mô hình liên kết trồng lúa thông minh xen kẽ ướt khô để bán tín chỉ carbon đang hình thành, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giảm phát thải và tăng sản lượng lúa.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, nông nghiệp là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia vào năm 2020. Nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo của nước ta đến từ việc thâm canh nông nghiệp không bền vững, tỷ lệ bón phân và sử dụng nước cho tưới tiêu cao.

Mô hình liên kết trồng lúa thông minh xen kẽ ướt khô để bán tín chỉ carbon đang hình thành, giúp tháo gỡ điểm nghẽn về giảm phát thải và tăng sản lượng lúa.

Theo tính toán từ đơn vị liên kết thu mua, trung bình 1 ha lúa sẽ thu về được từ 3 đến 4 tín chỉ carbon. Mỗi tín chỉ carbon bán ra với giá 20 USD. Điều quan trọng nhất là năng suất lúa theo mô hình liên kết này cao hơn so với canh tác truyền thống. Bởi được trồng theo phương pháp thông minh là xen kẽ ướt - khô, được hướng dẫn kỹ thuật để giảm lượng nước, thuốc trừ sâu và phân bón.

Ông Đồng Minh Mẫn - Xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cho biết: "Khi làm thấy chi phí cũng ít. Phân bón và thuốc cũng vừa phải".

Ông Trần Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận chia sẻ: "Ngoài hạt lúa vàng sáng, về mặt trọng lượng, chênh lệnh ít nhất từ khoảng 10%. Như vậy, với 10% này, năng suất lúa cực kỳ lớn, ví dụ từ 8 tấn lên 9 tấn nhân toàn cánh đồng thì hiệu quả cho bà con nông dân cực tốt".

Để bán được tín chỉ carbon từ trồng lúa, nông dân cũng phải thực hiện thêm việc không đốt rơm, rạ; tăng lượng phân bón sinh học, mục tiêu giảm lượng phát thải khí metan và tạo ra carbon thấp từ trồng lúa. Đặc biệt, nông dân phải thực hiện đúng quy trình về báo cáo đánh giá tín chỉ carbon.

Ông Nguyễn Thành Hưởng - Kỹ sư, Công ty BSB NanoTech cho biết: "Nông dân phải chụp hình để đưa lên app công ty Sprido của Mỹ để người ta đo đạc khí thải và đặc biệt nông dân phải tự giác. Vì nếu không tự giác theo đúng thời điểm chụp hình gửi lên vệ tinh thì bên Sprido sẽ cảnh báo. Và hai lần cảnh báo thì carbon đó sẽ không được tính cho ruộng đó".

Hiện nay diện tích sản xuất lúa của nước ta khoảng 7 triệu ha. Đây là nguồn cung dồi dào để bán tín chỉ carbon gia tăng thêm giá trị cho cây lúa. Quan trọng hơn, với mô hình canh tác lúa thông minh xen kẽ ướt khô gắn thu mua tín chỉ carbon giúp nông dân dần chuyển đổi hướng canh tác mới, giảm đầu tư nâng cao năng suất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước