Giá than thế giới đang xuống thấp kỷ lục khiến cả Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản cùng các doanh nghiệp tiêu thụ than khác trong nước đều đổ xô đi nhập khẩu. Nguyên nhân chính từ việc giá than giảm là do lượng tồn kho ở nhiều nước đang tăng cao. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tình trạng giảm giá sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, bởi chi phí khai thác vẫn tăng cao.
Nếu như năm 2013, cả nước mới chỉ nhập khẩu hơn 2,2 triệu tấn than đá thì đến năm 2018 đã tăng lên 21,4 triệu tấn và đỉnh điểm đã được xác lập khi, đến giữa tháng 7 vừa qua, lượng than cả nước nhập về đã vượt qua lượng nhập khẩu của cả năm 2018.
Theo các đơn vị nhập khẩu, giá than nhập khẩu đang có nhiều lợi thế khi giảm gần 40% so với năm 2018 và nguồn nhập cũng đa dạng hơn trước.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản cho biết sẽ áp dụng tỷ lệ 40% than nhập chất lượng cao pha trộn với 60% than chất lượng thấp trong nước để tạo ra than chất lượng trung bình bán cho các nhà máy điện. Điều này đảm bảo 2 mục tiêu là tăng lượng than cung cấp cho nhiệt điện và đưa giá bán than theo hướng thị trường.
Theo Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản, than nhập khẩu đang chiếm hơn 10% sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu tính chung, ngành than hiện chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu cho ngành điện. Vì vậy, bên cạnh việc nhập khẩu, vấn đề quan trọng nhất là tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất.
Tính đến tháng 7/2019, sản lượng than khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản đã đạt gần 25 triệu tấn, tăng hơn 1,5 triệu tấn so với cùng kỳ. Đại diện tập đoàn này khẳng định, vấn đề quan trong nhất vẫn là đáp ứng đủ nhu cầu than cho ngành điện. Vì vậy, trong kế hoạch năm nay, tập đoàn đã tăng thêm 11% sản lượng khai thác và tiếp tục điều chỉnh giá bán hợp lý cho các đơn vị tiêu thụ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!