"Make in India" là sáng kiến nhằm khuyến khích các công ty trong và ngoài nước sản xuất sản phẩm ngay tại Ấn Độ, thu hút vốn đầu tư quốc tế, tạo thêm hàng triệu việc làm cho người dân.
Dự án được điều phối bởi Bộ Công Thương Ấn Độ, tập trung vào 25 lĩnh vực kinh doanh, trong đó 22 lĩnh vực cho phép vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tới 100%.
Ngay sau khi kế hoạch được triển khai, Ấn Độ đã nhận được 230 tỷ USD cam kết đầu tư trong giai đoạn 2014 - 2016. Năm 2015, Ấn Độ còn trở thành điểm thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới với hơn 60 tỷ USD, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc. Điều kiện môi trường kinh doanh, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Ấn Độ cũng tăng vọt.
Tính trong giai đoạn 2016 - 2018, Ấn Độ đã nhảy 100 bậc trong bảng xếp hạng 190 nước về môi trường kinh doanh thuận lợi của Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Sản xuất thiết bị di động là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất, với hàng loạt cơ sở sản xuất được thành lập bởi các "ông lớn" quốc tế như: Xiaomi, Samsung, Huawei cũng như các doanh nghiệp nội địa.
Hiệp hội Viễn thông và Điện tử Ấn Độ dự đoán ngành công nghiệp di động sẽ đạt quy mô 230 tỷ USD vào năm 2025, với sản lượng 1,2 tỷ chiếc và đưa quốc gia này thành công xưởng smartphone lớn nhất thế giới. Ngoài ra, sản xuất ô tô, năng lượng tái tạo, dược phẩm, thực phẩm cũng là những ngành chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Ngành sản xuất của Ấn Độ hiện chỉ đóng góp 15% vào tổng GDP cả nước và "Make in India" đang hướng tới mục tiêu nâng con số này lên 25%. Theo nhiều dự báo, ngành sản xuất Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đóng góp 1.000 tỷ USD cho nền kinh tế vào năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!